Theo chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade (New Jersey, Mỹ), một số thực phẩm có thể làm mùi cơ thể trở nên nặng hơn, nhưng may mắn là vẫn có cách điều chỉnh để giảm thiểu tác động này.
Vậy ăn gì dễ khiến cơ thể có mùi, và nên tránh thế nào?
Hải sản và hội chứng “cá sống dậy”
Nghe lạ nhưng có thật: Một số người sau khi ăn cá lại có mùi cơ thể giống mùi cá ươn. Đây là do tình trạng hiếm gặp có tên trimethylaminuria (hội chứng mùi cá), khi cơ thể không thể phân giải choline, một chất có trong cá, đậu nành, lạc, bông cải,... dẫn đến tích tụ trimethylamine, hợp chất có mùi tanh đặc trưng.

Chất này không chỉ theo mồ hôi mà còn thoát ra qua hơi thở và da, khiến người xung quanh dễ dàng nhận thấy.
Tuy nhiên, theo Cleveland Clinic, chỉ có vài trăm người trên thế giới mắc hội chứng này. Vì vậy, phần lớn mọi người vẫn có thể ăn cá bình thường mà không lo ngại vấn đề mùi.
Rau xanh, đặc biệt là rau họ cải
Nghe thì ngược đời, nhưng đúng là rau cũng có thể khiến cơ thể bạn có mùi khó chịu, đặc biệt là nhóm rau họ cải như súp lơ, bắp cải, cải Brussels.

Các loại rau này giàu hợp chất lưu huỳnh, khi được cơ thể chuyển hóa sẽ sinh ra mùi chua, hăng hoặc như “trứng thối”, nhất là khi đổ mồ hôi hoặc trong hơi thở.
Không phải ai ăn cũng bị, nhưng nếu bạn thấy cơ thể nặng mùi sau mỗi lần ăn súp lơ hấp, thì nguyên nhân rất có thể là từ đó.
Gia vị nồng như cà ri, nghệ, thì là
Một số loại gia vị như cà ri, nghệ, thì là, tỏi có chứa các hợp chất dễ bay hơi, khi hấp thụ vào máu sẽ được cơ thể bài tiết qua tuyến mồ hôi.
Chuyên gia Erin Palinski-Wade lý giải: “Các hợp chất từ gia vị sẽ tương tác với vi khuẩn trên da, tạo ra mùi đặc trưng, đôi khi kéo dài suốt cả ngày.”
Vì vậy, dù những món ăn đậm đà gia vị rất ngon miệng, nhưng nếu sắp có một buổi gặp gỡ quan trọng thì bạn có thể cân nhắc trước khi nêm nếm quá tay.
Thịt đỏ, thèm một chút cũng nên thận trọng
Ăn quá nhiều thịt bò, thịt cừu, thịt dê có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Tuy protein trong thịt không có mùi, nhưng khi tiết qua mồ hôi và kết hợp với vi khuẩn trên da, nó có thể tạo ra mùi hôi nhẹ hoặc gây khó chịu.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng người ăn chay có xu hướng “thơm tho” hơn người ăn thịt, do chế độ ăn ít sulfur và giàu chất xơ hơn.

Vậy muốn thơm hơn thì nên ăn gì?
Không có câu trả lời tuyệt đối, nhưng theo các chuyên gia, bạn có thể giảm mùi cơ thể bằng cách:
-
Uống đủ nước để thanh lọc và giảm tích tụ mùi trong mồ hôi
-
Tăng rau xanh và trái cây tươi, đặc biệt là táo, rau cải xanh, sữa chua, trà xanh
-
Giảm tiêu thụ thịt đỏ và đồ quá cay nồng
-
Tắm rửa thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn và mặc đồ thoáng khí
-
Giảm stress, ngủ đủ giấc và vận động hợp lý cũng giúp ổn định nội tiết và hạn chế mùi
Tóm lại, mùi cơ thể không chỉ là vấn đề vệ sinh mà còn phản ánh cả chế độ ăn uống và sức khỏe tổng thể. Vậy nên, nếu bạn đột nhiên cảm thấy “không còn thơm như trước”, hãy thử để ý đến thực đơn hằng ngày của mình, vì có khi, thủ phạm là bát canh bắp cải tối qua cũng nên!