Mức tăng trưởng kỷ lục
Theo Công Thương, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024 xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1 năm 2024, xuất khẩu sắn đã chứng kiến mức tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể trong tháng 1, xuất khẩu sắn đạt 76.118 tấn với trị giá hơn 19,9 triệu USD, tăng 369,6% về lượng và tăng 340,8% so với tháng 12/2023. Đồng thời tăng mạnh 30,9% về lượng và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, sắn là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 262 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước. Tính chung nhóm hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 195 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước đó.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Tháng 1/2024, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 401.945 tấn sắn và thu về hơn 183 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng trước. Thị phần của Trung Quốc cũng đã tăng từ 91% trong năm 2023 lên 94% trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 457 USD/tấn, giảm 6% so với tháng trước. Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu mặt hàng này đến các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan,…
Thiếu hụt sắn nguyên liệu là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới giá sắn tươi tăng trong tháng 1. Từ đầu tháng 1 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc liên tục có xu hướng tăng. Sản lượng sắn giảm đáng kể cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới giá sắn tăng.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 700 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,71% về lượng và chiếm 12,63% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về sắn, sau Thái Lan.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Từ đầu tháng 01/2024 đến nay, giá củ sắn tươi tại khu vực miền Trung trở ra phía Bắc tiếp tục tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Mặc dù giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc theo đường bộ (DAF) có tăng nhẹ, nhưng chưa đạt kỳ vọng của các nhà máy sắn Việt Nam. Xu thế tăng giá mua vào sản phẩm tinh bột sắn của khách hàng Trung Quốc chưa thích ứng kịp với biên độ tăng giá bán ra của các nhà máy sắn Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022; năng suất trung bình đạt 204 tạ/ha, tăng khoảng 3,6 tạ/ha và sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022.
Niên vụ sắn 2023/2024, tỉnh Thanh Hóa trồng được trên 10.700 ha sắn, giảm khoảng 2.000 ha so với niên vụ trước. Năng suất bình quân đạt khoảng 18-20 tấn/ha. Như vậy, mỗi năm sản lượng sắn đạt khoảng 180.000-200.000 tấn; trong khi nhu cầu sản lượng cần khoảng trên 400.000 tấn/năm.
Vì vậy, trong vụ sắn năm nay, các vùng nguyên liệu sắn trong tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chế biến của các nhà máy. Do những năm gần đây bệnh khảm lá sắn phát triển mạnh, giá thu mua thấp nên hiệu quả trồng sắn không cao; vì thế, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng giảm dần. Năm nay, thị trường ổn định, nhưng các nhà máy chế biến tinh bột sắn lại không đủ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.