Thông tin từ mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, Tập đoàn Thuận An đã tham gia nhiều gói thầu trên khắp cả nước với tổng giá trị trúng thầu lên đến 22.612 tỷ đồng. Danh sách tỉnh thành doanh nghiệp này tham gia đấu thầu trải dài từ Bắc vào Nam gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Tp.HCM…
Qua tìm hiểu, nghiên cứu luật Đấu thầu cũng như việc thực hiện pháp luật về đấu thầu ở những đơn vị chủ đầu tư đã từng “bắt tay” với Tập đoàn Thuận An, PV nhận thấy thực trạng nhiều gói thầu có giá trị lớn nhưng tiết kiệm “nhỏ giọt”, khó đảm bảo trách nhiệm tiết giảm ngân sách. Đơn cử như trường hợp của ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Tp. HCM dưới đây.
Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, bên mời thầu ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Tp. HCM (địa chỉ: số 3 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) đã công bố kết quả của 396 gói thầu, tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ là 4.253 tỷ đồng. Trong đó các gói xây lắp chiếm 44,32%, tư vấn chiếm 42,61%, còn lại là các gói thuộc lĩnh vực hàng hóa và phi tư vấn.
Ngoài ra, ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Tp.HCM cũng là chủ đầu tư của 325 TBMT, trong đó có 152 TBMT là do đơn vị khác mời thầu.
Khảo sát ngẫu nhiên 10 gói thầu có giá trị lớn do đơn vị này làm bên mời thầu và chủ đầu tư, tổng giá trị trúng thầu lên đến 4.937 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm hơn 5 tỷ đồng, tỉ lệ trung bình đạt 0,16%.
Nổi bật trong đây là “Gói thầu XL5: Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985)” có giá dự toán 2.305 tỷ đồng. Tập đoàn Thuận An (trong vai trò liên danh chính) cùng 8 nhà thầu khác đã được phê duyệt trúng thầu với giá 2.303 tỷ đồng vào ngày 25/12/2023. Đây là liên danh duy nhất tham dự và trúng thầu. Như vậy, số tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ gần 2 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,09%.
Hay như gói thầu xây dựng cầu cạn số 12 năm 2023, liên danh 4 nhà thầu (bao gồm Tổng công ty 789, CTCP Xây lắp 386, CTCP cầu 3 Thăng Long, công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Nguyên Cát) đã trúng thầu với giá 275,5 tỷ đồng, tiết kiệm “vỏn vẹn” gần 12 triệu đồng.
Trước đó, trong năm 2022, hai gói thầu xây dựng hầm chui HC1-01 và HC1-02 (đều thuộc dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức) đã có KQLCNT với giá trị lần lượt 342,9 tỷ đồng và 341,8 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm 0,09% và 0,21%. Cả hai gói này đều chỉ có 1 liên danh nhà thầu tham gia và trúng thầu.
Các gói thầu khác do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng có giá trị đến vài trăm tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm vài chục triệu đồng, như gói thi công nạo vét số 6 năm 2019 có giá 366,7 tỷ đồng, tiết kiệm 67,7 triệu đồng (tỉ lệ 0,02%); gói thầu XL10 năm 2023 có giá 235,8 tỷ đồng, tiết kiệm gần 40 triệu đồng (0,02%)…
Tất cả các gói thầu nêu trên đều được phê duyệt bởi ông Lương Minh Phúc – Giám đốc ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Tp.HCM.
Trao đổi về những gói thầu tiết kiệm thấp tại ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Tp.HCM, luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) nhìn nhận: “Theo quy định tại luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan, không có quy định nào bắt buộc tỉ lệ tiết kiệm phải nằm trong một hạn mức nhất định, thậm chí tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 thì cũng không vi phạm bởi pháp luật không điều chỉnh. Vì vậy, theo nguyên tắc xác định giá thấp nhất đối với các trường hợp đấu thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất, thì đương nhiên nhà thầu nào đưa ra giá thấp nhất trong số các nhà thầu đủ điều kiện sẽ được lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện tượng quá nhiều gói thầu tiết kiệm thấp, nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu sẽ tồn tại nhiều dấu hiệu bất cập, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng không nhỏ cho ngân sách Nhà nước” – luật sư nhận định.