Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thả rông chó, mèo trong chung cư bị phạt bao nhiêu?

Việc nuôi chó, mèo ở chung cư không bị cấm, song nếu thả rông trong khu vực công cộng sẽ bị xử phạt theo quy định.

Theo khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. Đồng thời, tại khoản 6 và khoản 7 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018 có định nghĩa về gia súc, gia cầm như sau:

- Gia súc là các loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Gia cầm là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Tại phụ lục II trong Thông tư số 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi thì chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm mà được xếp vào loại động vật khác.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể khẳng định chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm nên việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

tha-rong-cho-meo-trong-chung-cu-bi-phat-bao-nhieu-1717658145.jpg
Thả rông chó, mèo trong chung cư sẽ bị phạt 

Việc nuôi chó, mèo ở nhà chung cư không bị cấm, song nếu thả rông trong khu vực công cộng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng thì hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng.

Ngoài ra, khoản 3, Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Như vậy, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì người nào có hành vi thả rông chó, mèo trong khu vực công cộng tại chung cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Đồng thời, khi đưa chó ra nơi công cộng thì người nuôi phải đeo rọ mõm hoặc đeo xích giữ chó.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 66 Mục 1 Chương V Luật Chăn nuôi 2018, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban Nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đã cụ thể hoá các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở, hộ gia đình hay cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm trong đó có chó, mèo cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường…

Nếu thú cưng được nuôi là gia súc, gia cầm thì cá nhân hay hộ gia đình không được chăn, thả trong khu vực chung cư. Trường hợp thú cưng là các loài động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục động vật nêu trên thì pháp luật Việt Nam không cấm nuôi. Khi đó, chủ vật nuôi cần nâng cao trách nhiệm theo đúng quy định, khai báo với chính quyền địa phương; thực hiện các biện pháp phòng bệnh và bảo đảm an toàn cho chó, mèo theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

Minh Hoa (t/h)/Người đưa tin