Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tiêu chuẩn đánh giá đối với gói thầu xây lắp gồm những gì?

Hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp phải quy định nội dung đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu như thế nào? Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm đối với gói thầu xây lắp bao gồm những gì?

Hồ sơ mời thầu xây lắp là gì?

Hồ sơ mời thầu xây lắp là toàn bộ tài liệu sử dụng cho việc đấu thầu xây lắp bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh làm căn cứ để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu. Trong đó, khái niệm "gói thầu xây lắp" là gói thầu để thực hiện những công việc trong quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình, hạng mục công trình cụ thể nào đó theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

Căn cứ lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp

Căn cứ lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp được quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP như sau:

  • Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có);
  • Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt;
  • Tài liệu về thiết kế, bản vẽ, thuyết minh về gói thầu (nếu có);
  • Các yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu gồm: đặc tính, thông số kỹ thuật, yêu cầu công nghệ, chất lượng dịch vụ, yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm, nghiệm thu và các yêu cầu về kỹ thuật khác (nếu có);
  • Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; điều ước quốc tế, thỏa thuận vay (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;
  • Quy định của pháp luật về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu;
  • Các căn cứ liên quan khác.

Nội dung hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp quy định những gì?

Hồ sơ mời thầu phải quy định nội dung đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu được quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, bao gồm:

  • Có bản gốc hồ sơ dự thầu;
  • Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian ký đơn dự thầu phải sau thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu; không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên được phân công thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong thỏa thuận liên danh;
    *** Lưu ý:
    - Thỏa thuận liên danh phải nêu rõ nội dung công việc cụ thể và ước tính giá trị tương ứng mà từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện.
    - Việc phân chia công việc trong liên danh phải căn cứ các hạng mục nêu trong bảng giá dự thầu hoặc theo các công việc thuộc quá trình sản xuất hạng mục trong bảng giá dự thầu, không được phân chia các công việc không thuộc các hạng mục này hoặc không thuộc quá trình sản xuất các hạng mục này;
  • Hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
  • Có bảo đảm dự thầu với giá trị, thời hạn hiệu lực và đơn vị thụ hưởng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
    • Trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh thì thư bảo lãnh, giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh phải tuân thủ theo yêu cầu pháp luật.
    • Thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên, đóng dấu (nếu có).
    • Đối với gói thầu bảo hiểm, nhà thầu tham dự thầu không được xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh do mình phát hành;
  • Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh;
  • Có thỏa thuận liên danh (trong trường hợp liên danh) được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
  • Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu 2023;
  • Trong thời hạn 03 năm trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu không có nhân sự (ký kết hợp đồng lao động với nhà thầu tại thời điểm nhân sự thực hiện hành vi vi phạm) bị Tòa án kết án có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật về hình sự nhằm mục đích cho nhà thầu đó trúng thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá năng lực kinh nghiệm gồm những gì?

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, gồm:

  • Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự;
  • Năng lực kỹ thuật: số lượng, trình độ chuyên môn của cán bộ chủ chốt, số lượng thiết bị thi công chủ yếu có khả năng huy động để thực hiện gói thầu (nếu có yêu cầu);
  • Năng lực tài chính: giá trị tài sản ròng, doanh thu;
  • Việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại điểm này căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung quy định tại điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm;

Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thực hiện ra sao?

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. 

  • Trường hợp sử dụng phương pháp đạt, không đạt, đối với các tiêu chí đánh giá tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với các tiêu chí chi tiết cơ bản trong tiêu chí tổng quát, chỉ sử dụng tiêu chí đạt, không đạt; đối với các tiêu chí chi tiết không cơ bản trong tiêu chí tổng quát, ngoài tiêu chí đạt, không đạt, được áp dụng thêm tiêu chí chấp nhận được nhưng không được vượt quá 30% tổng số các tiêu chí chi tiết trong tiêu chí tổng quát đó. Tiêu chí tổng quát được đánh giá là đạt khi tất cả các tiêu chí chi tiết cơ bản được đánh giá là đạt và các tiêu chí chi tiết không cơ bản được đánh giá là đạt hoặc chấp nhận được.
  • Trường hợp sử dụng phương pháp chấm điểm thì phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chí tổng quát. Có thể quy định mức điểm tối thiểu đối với tiêu chí chi tiết cơ bản trong tiêu chí tổng quát; không được quy định mức điểm tối thiểu đối với các tiêu chí chi tiết không cơ bản.

Tiêu chí kỹ thuật gói thầu xây lắp

Tiêu chí kỹ thuật gói thầu xây lắp.

Căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:

  • Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công phù hợp với đề xuất về tiến độ thi công;
  • Tiến độ thi công;
  • Cách thức quản lý dự án bao gồm: tổ chức quản lý dự án, tổ chức quản lý hiện trường;
  • Các biện pháp bảo đảm chất lượng;
  • Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động;
  • Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
  • Các yếu tố thân thiện môi trường (nếu có) gồm việc sử dụng các vật tư, vật liệu, biện pháp tổ chức thi công, dây chuyền, công nghệ thi công và các yếu tố khác (nếu có);
  • Thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu
  • Các yếu tố cần thiết khác
Theo Son Vu/ Dauthau.info