Tập trận tấn công hạt nhân quy mô lớn
"Tình hình địa chính trị gia tăng căng thẳng, cùng sự xuất hiện của các mối đe dọa bên ngoài mới cho thấy tầm quan trọng của việc sở hữu các chiến lực hiện đại và luôn sẵn sàng sử dụng", Tổng thống Vladimir Putin cho biết khi công bố cuộc tập trận.
Tập trận diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine, sau nhiều tuần Nga gửi tín hiệu đến phương Tây rằng Moscow sẽ có phản ứng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh cho phép Kyiv phóng tên lửa tầm xa sâu vào lãnh thổ Nga.
Vào thứ Hai, NATO cho biết Bắc Triều Tiên đã gửi quân tới phía tây Nga, điều mà Moscow không phủ nhận.
Trong những bình luận trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov đã nói với ông Putin rằng mục đích của cuộc tập trận là để thực hành việc "giao một đòn tấn công hạt nhân lớn nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân từ kẻ thù".
Cuộc tập trận đã bao gồm toàn bộ "tam giác hạt nhân" của Nga với các tên lửa được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không.
Một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars đã được phóng từ bãi phóng Plesetsk ở tây bắc Nga tới Kamchatka, bán đảo ở vùng đông xa. Tên lửa đạn đạo Sineva và Bulava được phóng từ tàu ngầm, và tên lửa hành trình được phóng từ các máy bay ném bom chiến lược, theo Bộ Quốc phòng.
Cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi đang bước vào giai đoạn mà các quan chức Nga cho rằng là nguy hiểm nhất, khi phương Tây cân nhắc cách hỗ trợ Ukraine trong khi lực lượng Nga tiến công ở miền Đông đất nước.
Tống thống Putin cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ là một "biện pháp cực kỳ ngoại lệ". "Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng chúng tôi sẽ duy trì lực lượng hạt nhân ở mức độ đủ cần thiết," ông nói.
Ông cũng cho biết Nga đang chuyển sang các "hệ thống tên lửa mới trên bệ cố định và di động" có thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn và có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cuộc tập trận này diễn ra sau một cuộc diễn tập vào ngày 18 tháng 10 tại khu vực Tver, tây bắc Moscow, liên quan đến các hoạt động thực địa của đơn vị trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars, có khả năng tấn công các thành phố của Mỹ.
Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để chiến thắng
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, ông Putin đã gửi một loạt tín hiệu mạnh mẽ đến phương Tây, bao gồm việc thay đổi lập trường của Nga về các hiệp ước hạt nhân lớn và công bố triển khai các tên lửa hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia láng giềng.
Ukraine đã cáo buộc ông về việc tống tiền hạt nhân. NATO tuyên bố sẽ không bị đe dọa bởi các mối đe dọa của Nga.
Tháng trước, nhà lãnh đạo Kremlin đã phê duyệt những thay đổi trong học thuyết hạt nhân chính thức, mở rộng danh sách các kịch bản mà Moscow sẽ xem xét việc sử dụng vũ khí như vậy. Theo những thay đổi này, Nga sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là cuộc tấn công chung - lời cảnh báo gửi tới Hoa Kỳ không nên giúp Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí thông thường.
Ông Putin đã nói rằng Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đạt được chiến thắng ở Ukraine.
Nga là cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng với Mỹ, Nga kiểm soát 88% đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Các quan chức Mỹ cho biết họ chưa thấy sự thay đổi nào trong tư thế triển khai hạt nhân của Nga trong suốt cuộc chiến. Nhưng vào năm 2022, Mỹ đã rất lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đến mức đã cảnh báo ông Putin về hậu quả nếu sử dụng loại vũ khí này, theo Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Bill Burns.