Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

TT Trump bất ngờ 'tặng' cho kinh tế Nga chiếc phao cứu sinh

Nền kinh tế quá nóng của Nga đang trên bờ vực suy thoái nghiêm trọng khi các biện pháp kích thích tài chính lớn, lãi suất tăng vọt, lạm phát cao và lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra thiệt hại sâu rộng. Nhưng sau 3 năm chiến sự, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã "quăng" cho Moscow một chiếc "phao cứu sinh".

Chiếc phao cứu sinh từ Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xung đột với Nga và tích cực thúc đẩy một thỏa thuận nhanh chóng để chấm dứt chiến sự đã kéo dài sang năm thứ 4. Điều này khiến các đồng minh châu Âu của Washington lo ngại khi khối này và Ukraine bị loại khỏi các cuộc đàm phán ban đầu với Nga.

Các chuyên gia cho rằng, những động thái gần đây của chính quyền Mỹ được xem là một món quà chính trị dành cho Moscow, đồng thời cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn.

Theo ông Oleg Vyugin, cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, động thái của Washington diễn ra trong bối cảnh Moscow phải đối mặt với hai lựa chọn không mong muốn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ ở Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7/2018. (Ảnh: FLICKR)

Ông cho biết Nga có thể ngừng tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh chiến sự vẫn chưa kết thúc, hoặc duy trì chi tiêu và điều này phải trả giá bằng nhiều năm tăng trưởng chậm, lạm phát cao và mức sống giảm sút, tất cả đều đi kèm với rủi ro chính trị.

Mặc dù chi tiêu của chính phủ thường kích thích tăng trưởng, nhưng chi tiêu quá lớn cho quân sự đã gây ra tình trạng tăng trưởng quá nóng dẫn tới lãi suất ở mức 21%. Lãi suất cao đang làm giảm đầu tư của doanh nghiệp trong khi khi lạm phát tại Nga vẫn chưa thể kiểm soát được.

"Vì lý do kinh tế, Nga quan tâm đến việc đàm phán ngoại giao để kết thúc cuộc xung đột. Điều này sẽ tránh việc tiếp tục phân phối lại các nguồn lực hạn chế cho các mục đích không hiệu quả. Đó là cách duy nhất để tránh tình trạng đình lạm", ông Vyugin nhận định.

Mặc dù Nga khó có thể nhanh chóng cắt giảm chi tiêu quốc phòng, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng chi tiêu ngân sách chính phủ, nhưng triển vọng đạt được thỏa thuận có thể làm giảm bớt các áp lực kinh tế khác, có thể nới lỏng lệnh trừng phạt và cuối cùng là sự quay trở lại của các công ty phương Tây.

Ông Alexander Kolyandr, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), cho biết: "Người Nga sẽ không muốn ngừng chi tiêu cho sản xuất vũ khí ngay lập tức vì sợ gây ra suy thoái kinh tế và vì họ cần khôi phục quân đội. Nhưng bằng cách huy động ít binh lính hơn, điều đó sẽ giảm bớt một chút áp lực cho thị trường lao động".

Việc tuyển dụng và di cư liên quan đến chiến sự đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Nga xuống mức thấp kỷ lục là 2,3%.

Ông Kolyandr nói thêm rằng áp lực lạm phát cũng có thể giảm bớt vì triển vọng hòa bình có thể khiến Washington ít có khả năng áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty từ các quốc gia như Trung Quốc, giúp việc nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn và do đó hàng hóa sẽ rẻ hơn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) tới cuộc họp với phái đoàn Mỹ tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi ngày 18/2. (Ảnh: BNG Nga)

Thị trường Nga đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng. Đồng rúp tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 6 tháng so với đồng USD vào ngày 21/2, được thúc đẩy bởi triển vọng nới lỏng lệnh trừng phạt.

Nền kinh tế Nga đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi suy giảm nhẹ vào năm 2022, nhưng các nhà chức trách dự kiến ​​mức tăng trưởng 4,1% của năm 2024 sẽ chậm lại còn khoảng 1 - 2% trong năm nay và ngân hàng trung ương vẫn chưa thấy cơ sở bền vững để cắt giảm lãi suất.

Khi giữ nguyên lãi suất ở mức 21% vào ngày 14/2, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết nhu cầu tăng trưởng từ lâu đã nhanh hơn năng lực sản xuất, do đó dẫn đến sự chậm lại tự nhiên trong tăng trưởng.

Thách thức của ngân hàng này trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát trở nên phức tạp hơn do các biện pháp kích thích tài chính tràn lan. Chỉ riêng trong tháng 1, thâm hụt tài chính của Nga đã tăng vọt lên 1,7 nghìn tỷ rúp (19,21 tỷ USD), tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bộ tài chính Nga đã điều chỉnh kế hoạch ngân sách 3 lần vào năm ngoái. Năm nay, bộ này dự kiến ngân sách ​​thâm hụt 1,2 nghìn tỷ rúp.

Chiến lược "cây gậy và củ cà rốt"

Chiến sự tại Ukraine đã mang lại lợi ích kinh tế cho một số người Nga nhưng lại khiến nhiều người khác "khốn đốn".

Đối với người lao động trong các ngành liên quan đến quân đội, các gói kích thích tài chính đã giúp tăng lương đáng kể, trong khi những người khác trong các ngành dân sự lại phải vật lộn với giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao.

Đồng rúp tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 6 tháng so với đồng USD vào ngày 21/2, được thúc đẩy bởi triển vọng nới lỏng lệnh trừng phạt.

Một số doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội do sự thay đổi lớn trong dòng chảy thương mại và giảm cạnh tranh. Ví dụ, doanh thu của hãng thời trang Melon Fashion Group đã tăng đều đặn khi công ty này nắm bắt được làn sóng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo công ty này, các thương hiệu của Melon đã mở rộng đáng kể trong hai năm qua và kể từ năm 2023, quy mô trung bình của các cửa hàng mà công ty mở đã tăng gấp đôi.

Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp khác, lãi suất cao lại là một thách thức nghiêm trọng .

"Với lãi suất cho vay hiện tại, khó có thể khởi động các dự án phát triển mới. Vòng tròn nhà đầu tư rộng lớn trước đây đã thu hẹp lại và những người còn lại cũng phụ thuộc vào các điều khoản của ngân hàng", bà Elena Bondarchuk, người sáng lập công ty phát triển kho Orientir, cho biết.

Giá dầu thấp hơn, hạn chế về ngân sách và sự gia tăng nợ xấu doanh nghiệp là một trong những rủi ro kinh tế hàng đầu mà Nga phải đối mặt, các tài liệu nội bộ mà Reuters xem được cho thấy.

Và Tổng thống Trump, mặc dù đang đưa ra lời đề nghị nhượng bộ về xung đột Ukraine, đã đe dọa sẽ trừng phạt thêm nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Ông Chris Weafer, giám đốc điều hành của Macro-Advisory Ltd, nói với Reuters: "Mỹ có đòn bẩy đáng kể về mặt kinh tế và đó là lý do tại sao người Nga rất vui khi được gặp mặt".

Ông Chris lý giải thông điệp từ chính quyền Mỹ: "Mỹ đang nói: Chúng tôi có thể nới lỏng lệnh trừng phạt nếu các bạn hợp tác, nhưng nếu không, chúng tôi có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều".

Bảo Anh/VNF (Theo Reuters)