Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ 1,9km đường đê vừa sử dụng đã nứt toác: Sẽ yêu cầu đào lên đổ lại bê tông

Giám đốc BQL Dự án đầu tư và xây dựng huyện Đông Sơn cho biết, đơn vị sẽ yêu cầu đơn vị thi công đào lên, đổ lại bê tông đoạn đường đê bị nứt, đang trong thời gian bảo hành.

Yêu cầu đổ lại bê tông phần đường bị nứt

Ngày 19/8, trao đổi PV, ông Đồng Văn Long, Giám đốc BQL dự án đầu tư và xây dựng huyện Đông Sơn cho biết, nội dung phản ánh của Người Đưa Tin về tuyến đường đê bị nứt khi mới đưa vào sử dụng là đúng thực tế.

Đối với đoạn đường đầu cầu Thành Huy đến bãi bóng Phù Bình, xã Đông Ninh do Công ty cổ phần Sông Mã 2 thi công được đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Đoạn đường này hiện đã hết bảo hành từ tháng 04/2024.

Khi nhận thông tin đường bị nứt, Ban đã yêu cầu Công ty cổ phần Sông Mã 2 tiến hành đổ xi măng trám phần bị rạn nứt.

Theo ông Long, đường này trước đây là tuyến đê cũ rộng 3m. Khi thiết kế, triển khai nâng cấp, sửa chữa đã thiết kế giữ nguyên đường cũ, mở rộng thêm mỗi bên hơn 1,5m. Phần đường mở rộng thêm mỗi bên được lót đá. "Việc thi công đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng trình tự và đúng với thiết kế", ông Long nói.

Vụ 1,9km đường đê vừa sử dụng đã nứt toác: Sẽ yêu cầu đào lên đổ lại bê tông- Ảnh 1.

Dù được vá trám lại nhưng dễ dàng nhận thấy vết nứt trên tuyến đường đê rất lớn và ngày càng rộng ra.

Giám đốc BQL dự án đầu tư và xây dựng huyện Đông Sơn cho hay, nguyên nhân tuyến đường bị rạn nứt là sự co giãn bê tông tại điểm tiếp xúc mặt đường cũ và mới.

Tuyến đường từ thôn Phù Bình đến cầu Phù Chẩn, xã Đông Ninh được hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 8/2023. Tuyến đường này do Công ty TNHH vận tải – xây dựng Hoàng Anh thi công. 

Ông Đồng Văn Long cho hay, tuyến đường này được đưa vào sử dụng cuối năm 2023 và hiện đang trong giai đoạn bảo hành. Nguyên nhân rạn nứt được xác định giống như tuyến cầu Thành Huy đến bãi bóng Phù Bình.

Đường bị nứt là do co giãn bê tông và xe quá tải đi vào

"Tuần tới chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thi công bóc hết lớp bê tông tại các vị trí bị nứt và đổ lại bê tông", Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn cho hay.

Theo ông Đồng Văn Long, một phần nguyên nhân 2 tuyến đường đê bị nứt khi mới đưa vào sử dụng là do kiểm soát xe trọng tải không tốt, một số xe có trọng tải lớn hơn thiết kế chở vật liệu đi vào tuyến đường này.

Vụ 1,9km đường đê vừa sử dụng đã nứt toác: Sẽ yêu cầu đào lên đổ lại bê tông- Ảnh 2.

Vết nứt trên tuyến đường đê rộng khoảng 15cm.

Ngày 16/8, Người Đưa Tin có bài viết: "Thanh Hóa: 1,9km đường đê đầu tư hàng chục tỷ đồng nứt toác khi vừa sử dụng".

Bài viết phản ánh, Ngày 22/8/2022, ông Lê Thế Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 2952/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đường giao thông đầu cầu Thành Huy đến bãi bóng Phù Bình, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Tổng chiều dài toàn tuyến 1,014km, với tổng mức đầu tư 8,3 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn cấp IV. Trên cơ sở nền mặt đường hiện trạng đầu tư cải tạo mặt đường đảm bảo quy mô nền mặt đường 5,5m. Dự án do UBND huyện Đông Sơn làm chủ đầu tư, Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn quản lý dự án.

Dự án do Công ty cổ phần Sông Mã 2, có địa chỉ tại 314 Lê Hoàn, phường Ba Đình, Tp.Thanh Hóa thi công.

Ngày 7/3/2023, ông Lê Thế Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ký quyết định số 745/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đường giao thông thôn Phù Bình đến cầu Phù Chẩn, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Tổng chiều dài toàn tuyến là 834m, với tổng mức 13,2 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn cấp IV, nhóm C. Dự án do UBND huyện Đông Sơn làm chủ đầu tư, Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn quản lý dự án.

Dự án do Công ty TNHH vận tải – xây dựng Hoàng Anh, có địa chỉ tại thôn 1, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa thi công. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2024.

Thực tế, 2 dự án này là một con đường nằm trên tuyến đê sông Hoàng, đoạn qua xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn. 

Tuyến đường vừa đưa vào sử dụng không lâu thì bị nứt toác, xuống cấp và có dấu hiệu kém chất lượng. Nhiều đoàn bị nứt kéo dài hàng trăm, với chiều rộng vết nứt 15-17cm.

Một số vết nứt đã được đơn vị thi công gia cố, trám lại bằng xi măng. Nhưng một thời gian vết nứt lại rộng ra và kéo dài thêm. Việc xử lý trám xi măng và keo không thể liên kết 2 phần đường nứt với nhau, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Phạm Xuân Chinh/Người đưa tin