Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xuất khẩu dệt may có nhiều khởi sắc: Liệu có "cầm chắc" 44 tỷ USD?

Mục tiêu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2024 là sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt gần 16 tỷ USD

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex, thị trường xuất khẩu ngành dệt may khởi sắc, hầu hết các doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã ký được đơn hàng đến hết tháng 9 và tháng 10/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết đơn hàng hết năm 2024.

Đáng chú ý trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước; trong đó, điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần, do đó các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.

Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu dệt may có nhiều khởi sắc: Liệu có 'cầm chắc' 44 tỷ USD?

Ảnh minh họa.

Chia sẻ về tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, ông Cao Hữu Hiếu cho hay, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.

Ngoài ra, đứng trước những thách thức này, doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường với những đơn hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh.

Đồng thời thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, mục tiêu về đích với kim ngạch 44 tỷ USD của dệt may trong năm 2024 vẫn rất thách thức với toàn ngành.

Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, ngành dệt may Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó có rất nhiều những giải pháp, nhiệm vụ, mục tiêu. Ví dụ như mục tiêu đưa ra tham vọng, mặc dù không phải là cao lắm so với những gì chúng ta đã đạt được trong những năm vừa qua. Ví dụ như đối với ngành dệt may thì mục tiêu đề ra cho năm 2030 là tăng trưởng hàng năm khoảng 6,8-7,2%/năm, mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 68 - 70 tỷ USD, đấy là mục tiêu.

"Quá trình để thực hiện với mục tiêu này, chúng tôi cho rằng định hướng từ nay cho đến năm 2030 đó là định hướng chuyển dần từ tập trung vào tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững, xanh hóa, chuyển đổi số... Ngoài ra, chúng ta đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu về xuất xứ và có lộ trình, đã đến lúc chúng ta cũng được hưởng thuế quan ưu đãi nếu chúng ta đáp ứng các yêu cầu."- ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

6 tháng cuối năm nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện. Đứng trước những thách thức này, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường với những đơn hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Đồng thời thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,... Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại, làm phân mảnh thương mại, ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Trong một bức tranh khá ảm đạm như vậy, vẫn xuất hiện một vài "điểm sáng", đó là xuất khẩu hàng dệt may sang một số thị trường vẫn tăng như: Nhật Bản, Austrailia, Nga, Ấn Độ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông. Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không bị giảm sâu trong bối cảnh sức mua giảm mạnh.

Nhờ nỗ lực của doanh nghiệp dệt may, xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD, mục tiêu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2024 là sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Trúc Chi (t/h theo VTV, VOV)/ Người Đưa Tin