Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

12 năm độc quyền vàng miếng, SJC kiếm doanh thu khủng nhưng lợi nhuận khiêm tốn

Với lợi thế 12 năm độc quyền kinh doanh vàng miếng, SJC kiếm được hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Đáng nói, giá vốn cùng các loại chi phí neo cao đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ ở mức khiêm tốn.

Từ ngày 25/5/2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Điều này có nghĩa, NHNN triển khai tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc thuê Công ty SJC gia công. Thời điểm đó, NHNN khẳng định, việc lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC để sản xuất vàng không tạo ra độc quyền doanh nghiệp vì Công ty SJC không còn được trực tiếp sản xuất vàng miếng mà chỉ kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.

Với ưu thế độc quyền kinh doanh vàng miếng 12 năm qua, không quá ngạc nhiên khi Công ty SJC kiếm được hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Theo số liệu gần nhất tại Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đạt doanh thu 27.154 tỷ đồng, tăng 53,5% so với năm 2021. Sau khi trừ đi 26.903 tỷ đồng giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức hơn 250 tỷ đồng, tăng 89% so với năm trước.

Trong năm 2022, các loại chi phí của SJC đều tăng cao. Cụ thể, chi phí tài chính ở mức 40 tỷ đồng, chi phí bán hàng hơn 54 tỷ đồng (tăng 74%) và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 90 tỷ đồng (tăng 34%). Ngược lại, doanh thu tài chính giảm phân nửa chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.

vang-mieng-gnpl-1712137068.jpg
SJC hiện là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do nhà nước sở hữu 100% vốn.

Trừ đi thuế phí, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của SJC đạt 48,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021. Điều này đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) của SJC là 0,18%. Như vậy, trong năm 2022, cứ 100 đồng doanh thu thuần thì công ty làm ra 0,18 đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy, SJC kiếm được doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm nhưng bị bào mòn bởi giá vốn và các loại chi phí khiến lợi nhuận thu về chỉ ở mức khiêm tốn. Tính chung giai đoạn từ năm 2015 - 2022, tổng doanh thu SJC là hơn 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên sổ sách công ty chỉ đạt hơn 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, SJC có tổng tài sản ở mức xấp xỉ 1.740 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đáng nói, hàng tồn kho chiếm tới 1.173 tỷ đồng, tương đương 67% tổng tài sản, chủ yếu là tồn kho hàng hóa trên 1.000 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, nợ phải trả ở mức 195 tỷ đồng, tăng khoảng 40 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.544 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng, đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước.

   Xem thêm: Cổ phiếu BMD được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 05/04

Đến nay, SJC vẫn là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do nhà nước sở hữu 100% vốn. Tại BCTC năm 2022 ghi nhận SJC 5 công ty con, 4 công ty liên kết, 29 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Mạng lưới kinh doanh phân phối của SJC gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Hoạt động cốt lõi của SJC là sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức bên cạnh đó doanh nghiệp cũng tham gia vào lĩnh vực địa ốc, đầu tư tài chính (VietABank) qua các khoản đầu tư góp vốn.

Hà Ly (Người Đưa Tin)