Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 4 đạt 1.935 tấn, trị giá thu về hơn 4,7 triệu USD, tăng mạnh 27,1% về lượng so với tháng trước.
Trong tháng 4, Trung Quốc chiếm đến 91% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam với 1.765 tấn, tăng 31,8% so với tháng trước đó.
Thông tin trên báo Công Thương, tính đến hết ngày 30/4, sản lượng xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt 5.076 tấn với kim ngạch đạt 12,7 triệu USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 46,8% về trị giá. Trong đó, Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính với sản lượng đạt lần lượt 4.518 tấn và 340 tấn, chiếm đến 95,7% sản lượng xuất khẩu.
Năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), Việt Nam xuất khẩu ớt đạt 20 triệu USD, tương đương với 10.173 tấn, tăng 107% so với năm 2022.
Trung Quốc và Lào chính là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ớt Việt Nam, với sản lượng lần lượt đạt hơn 8.600 tấn và 1.100 tấn, chiếm tới 85% và 10,9% thị phần.
Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật. Giá ớt bán ra cũng tốt hơn nhiều so với năm 2022, giúp nông dân có lợi nhuận ổn định.
Đáng chú ý, cuối tháng 3/2024, giá ớt xuất khẩu dao động từ 62.000 - 65.000 đồng/kg, ớt loại 2 từ 58.000 - 60.000 đồng/kg, ớt chợ từ 55.000 - 58.000 đồng/kg. Để so sánh, trung bình, mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả/năm, đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng với giá thu hoạch ở mức 8.000 - 12.000 đồng/kg. Đối với những vụ mùa được giá lên tới khoảng 30.000 đồng/kg, người dân có thể ‘bỏ túi’ từ 50 – 60 triệu đồng mỗi sào.
Trên thế giới, các nước trồng ớt chính là Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Romania, Trung Quốc, Nigeria và Mexico…Riêng đối với ớt khô, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm hơn 6,11% vào năm 2021, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ ớt hàng đầu thế giới với khoảng 36% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu khoảng 30% tổng sản lượng.
Số liệu từ Cục trồng trọt cho thấy, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, diện tích trồng đạt khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng là một trong những vùng trồng ớt trọng điểm, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.479ha, tăng 91ha so niên vụ năm 2022.
Thêm một tín hiệu đáng mừng đối với trái ớt Việt Nam là trong tháng 4, lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc, mở ra cánh cửa tiềm năng về xuất khẩu ớt chế biến thay vì xuất thô như trước. Tuy nhiên, theo Dân Việt, nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn còn rất lớn, lên đến 4.000 tấn ớt muối chua/năm, vì thế việc mở rộng vùng nguyên liệu là rất cần thiết để có thể đáp ứng thị trường Hàn Quốc.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có quy định mới về nhập khẩu ớt, doanh nghiệp xuất khẩu ớt cần đặc biệt lưu ý
Theo Dân Việt, văn phòng SPS Việt Nam vừa có văn bản gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam về việc Văn phòng nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc) công bố áp dụng quy định mới cho hàng hóa dùng làm thực phẩm.
Theo thông báo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc), thuốc nhuộm Sudan được phát hiện trong nhiều lô bột ớt nhập khẩu tại khâu kiểm tra biên giới hoặc kiểm tra tại điểm bán hàng từ năm 2023 đến năm 2024 có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Do vậy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đề xuất yêu cầu kiểm tra nhập khẩu đối với sản phẩm có mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 20904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan. Báo cáo thử nghiệm gồm Sudan I-IV kèm theo ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm...
Được biết, từ cuối tháng 2/2024, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã hạn chế nhập khẩu mặt hàng ớt và sản phẩm từ ớt đối với hàng chục doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan, Mexico và Việt Nam. Sang tháng 3, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu.
Minh Hoa (t/h)