Theo báo cáo tài chính năm 2023, AGP ghi nhận doanh thu thuần 725,1 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 510,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về 214,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,4% so với năm trước.
So với năm 2022, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 23% và 3% xuống còn 82,6 tỷ đồng và 39,6 tỷ đồng. Thế nhưng, do chi phí tài chính tăng cao lên hơn 39 tỷ đồng (cùng kỳ 28,6 tỷ đồng), chủ yếu là chi phí lãi vay và chiết khấu, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ hơn năm trước khoảng 1 tỷ đồng, đạt mức 53,9 tỷ đồng.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, AGP báo lãi sau thuế 43,6 tỷ đồng, “nhích nhẹ” lên so với cùng kỳ 42,9 tỷ đồng. Dù sao, con số này cũng ghi nhận năm thứ 4 liên tiếp công ty có lợi nhuận tăng dần đều, kể từ mức lãi 28,4 tỷ đồng vào năm 2019.
Với kết quả này, AGP hoàn thành được 97% kế hoạch doanh thu đề ra trong năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của AGP tăng lên 897,7 tỷ đồng, hơn 12% so với số đầu năm, bao gồm 579,1 tỷ đồng tài sản ngắn hạn (chiếm 65%) và 318,5 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Nổi bật trong đây có các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 239,3 tỷ đồng và hàng tồn kho 290,4 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phầm tồn đọng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của AGP tăng từ 488,2 tỷ đồng đầu năm lên hơn 543 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm 97% (tương đương 525,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản phải trả người bán ngắn hạn lên đến 99,3 tỷ đồng, bao gồm 17,5 tỷ đồng phải trả cho chi nhánh công ty TNHH Glandcore, 13,5 tỷ đồng cho công ty TNHH Hóa dược phẩm Phương Phúc… và các nhà cung cấp khác.
Bên cạnh đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty cũng ở mức hơn 393 tỷ đồng, bao gồm khoản vay ngân hàng Vietinbank chi nhánh An Giang 376,5 tỷ đồng, khoản vay ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh An Giang 203,4 tỷ đồng…
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của AGP tăng 13% lên 354,6 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vồn AGP đạt mức 897,7 tỷ đồng.