Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chính phủ trình 18 dự án luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

18 dự án luật được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây được cho là kỳ họp có nội dung rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề.

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tích cực chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Theo đó, các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này được đánh giá khá lớn với khoảng 18 dự án luật, nhiệm vụ đặt ra rất "nặng nề".

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung toàn bộ nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm luật; Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng dự án luật, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ. 

Cần phối hợp chặt chễ và hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo, tiếp thu và giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; báo  cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình và ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (5 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ); khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (trước ngày 15/5/2024).

  Xem thêm: Chi tiết 5 đối tượng sẽ được miễn phí 100% khi làm hộ chiếu

18-du-an-luat-se-duoc-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-gnpl-1713154040.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024. Ảnh: Công Luận

Dự kiến Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024, làm việc 22 ngày trong 2 đợt để xem xét số lượng nội dung rất lớn về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Quốc hội dự kiến dành 12 ngày cho công tác lập pháp để xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến vào 9 dự án luật khác.

Bên cạnh các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật năm 2024 nêu trên, một số dự án Luật mới được Chính phủ trình đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 và vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp các dự án luật: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).Quốc hội dành gần 9 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia  đến hết năm 2023”.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiếp tục yêu cầu Chính phủ tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và tập trung hoàn thiện trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí trình Quốc hội 2 nội dung này tại Kỳ họp thứ 7.

Về hình thức, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Do số lượng nội dung Kỳ họp thứ 7 rất lớn trên cả 3 mảng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 7 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

.