Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cô gái 18 tuổi suy thận nặng, suýt chết chỉ vì một thói quen ngọt ngào nhiều người vẫn mê

Thói quen uống trà sữa và đồ ngọt mỗi ngày suốt thời gian dài khiến một cô gái trẻ ở Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thận, tiêu cơ vân, thậm chí từng hôn mê vì tăng đường huyết cấp.

Hôn mê vì trà sữa: Cái giá của thói quen tưởng chừng vô hại

Theo VnExpress dẫn nguồn từ truyền thông Trung Quốc, cô gái 18 tuổi tên Tiantian đã trải qua một tháng nằm viện vì suy thận cấp, sốc chuyển hóa và biến chứng nội tạng sau thời gian dài uống đồ ngọt vô tội vạ.

Tiantian có thói quen uống hai ly trà sữa mỗi ngày, thường đặt kèm cola và các loại đồ ngọt khác, chi đến hơn 100 nhân dân tệ mỗi ngày (tương đương khoảng 340.000 đồng). Cô cũng rất ít vận động, khiến tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi mà không hề hay biết.

1-1753064166.jpg
Ảnh minh họa

Một ngày nọ, Tiantian cảm thấy khô miệng, đi tiểu nhiều, buồn nôn và chán ăn. Không lâu sau đó, cô hôn mê và được đưa tới cấp cứu tại Chi nhánh phía Bắc của Bệnh viện Ruijin, thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải. Các chỉ số sinh tồn đều báo động đỏ.

Bác sĩ chẩn đoán cô bị tăng đường huyết nặng kết hợp với nhiễm toan ceton, sốc, tiêu cơ vân và suy thận. Sau năm ngày hôn mê và gần một tháng điều trị tích cực, Tiantian đã qua cơn nguy kịch. Hiện cô được chuyển sang Bệnh viện Nanxiang để tiếp tục điều trị phục hồi.

Trong khoảnh khắc tỉnh táo, Tiantian nói với bác sĩ: “Tôi sẽ không bao giờ uống trà sữa nữa”.

Vì sao đồ ngọt lại gây hại cho thận?

Theo các chuyên gia, thận có chức năng lọc chất thải trong máu, kiểm soát lượng nước, cân bằng điện giải và sản xuất hormone điều hòa huyết áp, hồng cầu. Khi tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt từ các loại đồ uống ngọt như trà sữa, chức năng này sẽ bị quá tải.

Tiến sĩ Kamlesh Parikh, chuyên gia thận tại Bệnh viện Đa khoa Bhailal Amin (Ấn Độ), lý giải:
“Lượng đường cao khiến huyết áp tăng và buộc thận phải làm việc quá mức để loại bỏ lượng glucose dư thừa trong máu. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến tổn thương thận, tiểu đạm, bệnh thận mạn tính và cuối cùng là suy thận giai đoạn cuối (ESRD)”.

Ngoài nguy cơ tăng huyết áp và tiểu đường, đường cũng góp phần gây béo phì, từ đó gia tăng áp lực lên hệ bài tiết. Các mạch máu nhỏ trong thận dễ bị tổn thương khi đường huyết tăng cao liên tục, dẫn đến giảm khả năng lọc máu và mất dần chức năng thận.

Một nghiên cứu đăng trên Frontiers in Nutrition (2023) cũng khẳng định: Chế độ ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ sỏi thận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

NB (T/h)