Nhiều sản phẩm có dấu hiệu chênh lệch giá cao
Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (ngày 23/06/2023) bao gồm 10 Chương và 96 Điều. So với Luật Đấu thầu 2013, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 đã có những điểm mới, đột phá, được giới chuyên môn cũng như phía doanh nghiệp đánh giá cao.
Nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng nguồn vốn và thực hiện đấu thầu đạt hiệu quả tối ưu, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu về vấn đề nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu nhìn từ việc thực hiện Luật Đấu thầu 2013 đến 2023.
Được biết, CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 (công ty Cấp nước Cần Thơ 2) tiền thân là công ty TNHH MTV Cấp nước số 2, được thành lập từ năm 2010. Đến thời điểm ngày 19/04/2018, công ty có cơ cấu vốn gồm 49% vốn Nhà nước và 51% vốn cổ đông. Hiện ông Lê Quốc Phục là Chủ tịch HĐQT.
Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đơn vị này đã tổ chức đấu thầu qua mạng hàng chục gói thầu. Đáng chú ý, gói Mua sắm hàng hóa năm 2021 có dấu hiệu giá thiết bị mua sắm cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu dù cùng xuất xứ, thương hiệu. Điều này có thể khiến cho mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu khó đảm bảo.
Cụ thể, theo Quyết định số: 285/QĐ-CNCT2-P.VT ngày 3/11/2021, ông Lê Quốc Phục - Chủ tịch HĐQT đã phê duyệt cho Công ty TNHH Thương Mại - Dịch vụ - Kỹ thuật Đức Hùng (công ty Đức Hùng; Địa chỉ: 17/19 Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân phú, TP.Hồ Chí Minh) trúng thầu với giá 16.203.927.000 đồng. So với giá dự toán 16.575.409.400 đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 371.482.400 đồng, đạt tỉ lệ 2,24%.
Quyết định số:285/ QĐ-CNCT2-P.VT.
Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá các sản phẩm trong gói thầu, so sánh dựa trên ký mã hiệu, xuất xứ, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành một số mã hàng cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.
Phần ảnh trái khoanh đỏ là giá sản phẩm Máy phát điện 1250kVA có model: EY-1250P, hiệu Energy được 1 công ty nhập khẩu về Việt Nam (giá chưa có thuế), còn ảnh bên phải là báo giá về bồn nhiên liệu (dùng để tham khảo).
Cụ thể, Máy phát điện 1250kVA có model: EY-1250P, hiệu Energy, nguồn gốc châu Âu; phụ kiện đi kèm: bồn nhiên liệu 3000 lít (gia công tại Việt Nam), được công ty Đức Hùng cung cấp và lắp ráp có đơn giá trúng thầu là 11.572.000.000 đồng/bộ.
Còn theo dữ liệu PV tìm hiểu, một bộ sản phẩm cùng model, nhãn hiệu và nguồn gốc, được nhập khẩu về Việt Nam có tổng giá khoảng 4.381.476.525 đồng (đã bao gồm cả bồn nhiên liệu), thấp hơn giá trúng thầu 7.190.523.475 đồng. Tức là, giá sản phẩm trong gói thầu cao hơn hơn 2 lần so với giá nhập khẩu của bộ sản phẩm mà PV tìm hiểu được và dùng để so sánh.
Bộ điều khiển SC200; Cảm biến phân tích Chlorine bằng phương pháp so màu CL17sc và Cảm biến đo Ph - DPC1R1A có ký mã hiệu giống sản phẩm trong gói thầu (Máy đo clo dư) được nhập khẩu về Việt Nam (giá này chưa bao gồm thuế).
Tương tự, Máy đo clo dư có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mỹ, bao gồm Bộ điều khiển SC200; Cảm biến phân tích Chlorine bằng phương pháp so màu CL17sc và Cảm biến đo Ph - DPC1R1A được nhập khẩu với giá 50.532.943 đồng, còn đơn giá trong gói thầu là 646.855.000 đồng. Giá nhập khẩu thấp hơn giá trúng thầu 596.322.057 đồng.
Bảng so sánh giá do phóng viên thực hiện, nhiều sản phẩm có giá chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng.
Cần phải nói rõ rằng, mức giá PV đưa ra để so sánh đều đã bao gồm thuế VAT và thuế nhập khẩu. Thời điểm khảo sát giá của PV cũng gần với thời điểm thực hiện gói thầu này.
Nghiên cứu ngẫu nhiên 8/23 hàng hóa trong gói thầu, số tiền chênh lệch so với giá nhập khẩu là 9.537.607.350 đồng.
Biết rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, con số chênh lệch như đã nói ở trên là đáng suy ngẫm.
Phóng viên không được tiếp nhận làm việc
Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV đã trực tiếp đến trụ sở của công ty Cấp nước Cần Thơ 2 tại số 366C Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ để liên hệ làm việc.
CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 có trụ sở đặt tại số 366C Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ.
Tuy nhiên, khi có mặt tại đây, PV đã không được tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Bởi nhân viên bảo vệ và một người (không rõ tên tuổi, chức vụ) đi ra từ phòng Tổ chức – Hành chính đã có những lời nói, hành động mang dấu hiệu ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của PV.
Nhân viên bảo vệ nói: “Người phụ trách văn thư chính đi công tác, bạn này (ý chỉ người đi ra từ phòng Tổ chức – Hành chính – PV) là nhân viên chính thức của công ty nhưng ở khâu khác, làm hộ thôi nên không biết, không dám tiếp nhận”.
Nhân viên bảo vệ tại trụ sở CTCP Cấp nước Cần Thơ 2. (Ảnh trích từ video ngày 23/08/2024).
Theo thông tin trên website công ty Cấp nước Cần Thơ 2, PV tìm được số điện thoại của ông Đỗ Đăng Khoa, thuộc Phòng Tổ chức – Hành chính. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, PV không nhận được phản hồi.
PV tiếp tục quay trở lại Công ty Cấp nước Cần Thơ 2 vào ngày 24/10 trong giờ làm việc buổi sáng và buổi chiều. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ nhất định không cho PV đi qua cổng công ty mà chỉ cầm giấy giới thiệu của PV vào xin ý kiến ở phòng Tổ chức – Hành chính rồi ra phản hồi rằng: “Sếp đi công tác nên không tiếp nhận thông tin”.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân.
“Hoạt động báo chí góp phần phản ánh hiện thực đời sống, đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chính vì tầm quan trọng đó, pháp luật đã có những quy định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động báo chí được phát triển.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 25 và Điều 38 Luật Báo chí năm 2016, khi hoạt động báo chí, nhà báo có quyền được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác.
Cạnh đó, tại Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí cũng nêu rõ một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”, luật sư Tín nói.
“Hành vi cản trở người khác cung cấp thông tin cho báo chí hoặc không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức và từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính Phủ”, vị luật sư thông tin thêm.
Liên quan đến những gói thầu có dấu hiệu sản phẩm giá cao hơn giá nhập khẩu và giá thị trường, từng trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV, cho rằng: “Quy trình đấu thầu mua sắm công đã có các quy định của luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Nhưng gói thầu có giá sản phẩm cao bất thường thì rõ ràng chủ đầu tư cần phải xem xét lại các quy trình từ xây dựng giá dự toán đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu”.
Cũng theo ông Xuyền, để đấu thầu thực chất, đạt mục tiêu thì cần làm đầy đủ quy trình đấu thầu một cách khách quan và trung thực. Mục đích của đấu thầu là lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa tốt, luôn phải đáp ứng đúng và đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm và giá cả phù hợp, càng thấp càng tốt, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất của đấu thầu mua sắm.