Nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Ngày 6/6, thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận điều tra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức kêu gọi đầu tư tài chính qua không gian mạng, với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Qua công tác nắm tình hình và tiếp nhận điều tra các vụ án lừa đảo trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát Hình sự nhận thấy, tội phạm lừa đảo thông qua phương thức kêu gọi đầu tư tài chính diễn biến rất phức tạp, do nhiều băng nhóm tội phạm thực hiện.
Quá trình phạm tội, các đối tượng sẽ làm quen, tạo niềm tin và sử dụng rất nhiều kịch bản khác nhau để dẫn dụ nạn nhân thực hiện đầu tư tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, các đối tượng thay đổi kịch bản mỗi ngày để phù hợp với từng giai đoạn khác nhau và tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng công an.
Trong đó, các đối tượng lợi dụng tư tưởng ham lợi nhuận của một số người dân để kêu gọi đầu tư tài chính. Đối tượng thường đưa ra “bánh vẽ” lợi nhuận cao hơn so với các kênh đầu tư thông thường, thủ tục thực hiện đơn giản. Không chỉ vậy, các đối tượng còn đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, trainning, tự nhận là chuyên gia đầu tư tài chính, người truyền cảm hứng, người dẫn đường để kêu gọi đầu tư vào hệ thống do họ thiết lập.
Theo Thượng tá Võ Anh Tú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, ban đầu, các đối tượng kêu gọi dân đóng số tiền nhỏ vài chục nghìn đồng nên ai cũng có thể thực hiện được.
Thậm chí, các đối tượng còn trả tiền lời rất cao cho người đầu tư. Tiếp đó, các đối tượng đưa nạn nhân vào trong các nhóm đã tạo lập sẵn mà các thành viên trong đó đều là đồng phạm của nhau. Từ đó, các đối tượng tiến hành thao túng tâm lý, dẫn dụ, yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền nhất định. Sau đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển các khoản tiền đảm bảo, đóng thuế... cho số tiền đã đầu tư. Từ đó, dẫn đến, nhiều người thiệt hại với số tiền rất lớn. Thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự cho biết, có những vụ, cơ quan công an đã điều tra, khám phá ra số tiền giao dịch lên đến hơn 240 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đối tượng còn lợi dụng tâm lý sợ hãi và thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin của một số người dân để gọi điện giả danh công an, tòa án, cơ quan tư pháp để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đối tượng gọi điện yêu cầu người dân cung cấp thông tin để tạo lập mức 2 của căn cước công dân. Khi đã tạo được niềm tin, đối tượng yêu cầu người dân đăng nhập vào đường link mà các đối tượng gửi qua tin nhắn. Khi người dân đăng nhập vào đường link và thực hiện theo yêu cầu thì ngay lập tức các đối tượng sẽ đồng bộ điện thoại của nạn nhân, rồi xâm nhập vào các phương tiện trên địa thoại để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản...
Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
Theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, các đối tượng phạm tội lừa đảo thông qua phương thức kêu gọi đầu tư tài chính thường hoạt động xuyên quốc gia và sử dụng tài khoản ảo, ẩn danh trên mạng xã hội, sim rác. Thậm chí, thuê, mượn tài khoản ngân hàng nên thông tin không chính xác... Do đó, việc điều tra, xác minh của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền “khủng”
Từ thực trạng nói trên, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này. Trong đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Thậm chí, chỉ đạo công an các cơ sở triển khai đến từng nhà dân, từng khu phố để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và kịp thời tố cáo tội phạm.
Thế nhưng, hàng ngày vẫn có nhiều người dân mắc “bẫy”. Trong đó, hầu hết nạn nhân đều là người lớn tuổi thiếu kiến thức về lĩnh vực viễn thông và phụ nữ, những người muốn nhanh chóng kiếm tiền.
Đơn cử, vào đầu năm 2024, ông T.Q.S. (trú tại huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk) có kết bạn zalo với một người trên mạng xã hội, người này tự giới thiệu là bạn cũ. Sau một thời gian trao đổi qua lại về công việc, gia đình, đối tượng hướng dẫn ông S. cách đầu tư tài chính quỹ mở qua ứng dụng tên “DREAM”.
Thấy việc làm này đơn giản mà có lợi nhuận cao, ông S. đã đồng ý và được đối tượng hướng dẫn đăng ký tài khoản với đường link lạ có hiện thông tin tải và truy cập app “DREAM” để bắt đầu thực hiện giao dịch đầu tư tài chính. Khi thực hiện đăng ký thành công, đối tượng lại tiếp tục hướng dẫn nạn nhân cách nạp tiền vào tài khoản để thực hiện giao dịch đầu tư tài chính, thêm nạn nhân vào nhóm Telegram để được “tập thể truyền động lực”.
Trước mỗi lần chuyển khoản thực hiện giao dịch, đối tượng lại liên lạc hướng dẫn ông S. thời điểm và loại chứng khoán mua để được sinh lời nhiều. Sau mỗi lần giao dịch, ông S. nhận thấy tài khoản trên app DREAM đều nhận về khoản tiền lãi như đối tượng cam kết. Do tin lời đối tượng “, ông S. đã chuyển số tiền hơn 2.000 USD để giao dịch đầu tư tài chính.
Cho đến đầu tháng 6/2024, do nhu cầu tiêu dùng ông S. truy cập app DREAM để rút tiền thì ứng dụng liên tục gây khó dễ, báo không rút được tiền và yêu cầu đóng thuế do lợi nhuận cao. Khi ông liên hệ “bạn cũ” để được hỗ trợ thì đối tượng lập tức chặn mọi phương thức liên lạc. Lúc này, ông S. mới biết mình bị lừa đảo nên đã liên hệ cơ quan chức năng trình báo.
Đau lòng hơn, có một nạn nhân là bé gái 16 tuổi trú tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cũng bị chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng. Theo đó, bé gái này lên mạng tìm việc online và kết bạn với một người trên Facebook. Sau đó, đối tượng hướng dẫn bé gái này thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như duyệt đơn hàng. Sau khi bé gái này làm theo thì được đối tượng lập tức trả công từ 10-40.000 đồng vào tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, đối tượng yêu cầu bé gái nói trên nạp tiền vào để thực hiện nhiệm vụ cao hơn nhằm hưởng lợi nhiều hơn. Vì quá tin tưởng, bé gái này đã dùng tiền trong tài khoản ngân hàng của bố mình để chuyển vào tài khoản mà các đối tượng hướng dẫn.
Hậu quả, sau nhiều lần chuyển tiền, bé gái và gia đình bàng hoàng phát hiện đã bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 600 triệu đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Để tự bảo vệ bản thân tránh rơi vào các bẫy tài chính, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Đắk Lắk) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư qua các ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo là lãi suất cao. Đồng thời, không cài đặt các ứng dụng lạ chứa mã độc hoặc cảnh giác những đối tượng lôi kéo đầu tư chứng khoán, tiền ảo và tuyển việc làm online, cộng tác viên làm việc cho các sàn thương mại điện tử, đánh giá khách sạn cho các trang web du lịch. Đặc biệt, người dân cần quản lý chặt tài khoản ngân hàng, không cung cấp mật khẩu, mật mã đăng nhập trên áp ngân hàng cho bất kỳ ai để đảm bảo yếu tố bí mật.
“Người dân cần tỉnh táo trước những “bánh vẽ” lợi nhuận cao. Bởi không có hình thức đầu tư nào mà sinh lợi nhanh chóng đến như thế. Đồng thời, người dân không chuyển tiền cho bất cứ ai khi chưa xác định rõ người nhận tiền là ai. Hơn nữa, cơ quan công an không làm việc qua điện thoại nên người dân không nên làm việc qua điện thoại với bất kỳ ai dễ dẫn đến bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Thượng tá Võ Anh Tú nhấn mạnh.