Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gây tai nạn rồi bỏ trốn sẽ bị xử lý như thế nào?

Độc giả có mail tranthuquynh xx@gmail.com hỏi: Anh họ điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, sau đó ra đầu thú thì sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin được tư vấn như sau: 

Căn cứ khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện và những người có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị tai nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. 

Người gây ra tai nạn cũng phải ở lại cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi "Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm" là hành vi bị nghiêm cấm. 

gay-tai-nan-bo-tron-bi-xu-phat-nhu-the-nao-1709535506.jpg
Gây tai nạn xong bỏ trốn sẽ bị xử lý như thế nào?

Như vậy, hành vi của anh họ độc giả tranthuquynhxx@gmail.com khi bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn là hành vi trái pháp luật. 

Tùy theo tính chất cũng như mức độ, người này có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể

Chế tài hình sự

Đối với trường hợp nếu anh họ bạn vượt đèn đỏ gây thiệt hại cho người khác (Gây chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS).

gay-tai-nan-bo-tron-bi-xu-phat-nhu-the-nao2-1709535587.jpg
Tùy mức độ gây tai nạn sẽ có chế tài xử phạt thích đáng.

Ngoài ra nếu bỏ trốn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với tình tiết định khung tăng nặng nêu tại điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS: “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”, khung hình lên đến 10 năm tù.

Chế tài hành chính 

Đối với trường hợp vượt đèn đỏ nhưng không ra thiệt hại hoặc gây thiệt hại chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài việc bị xử phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ, anh họ của bạn sẽ bị xử phạt về hành vi "Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn".

Mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng. Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.

Như vậy nếu anh họ bạn có mail tranthuquynhxx@gmail.com gây tai nạn rồi bỏ trốn sau đó ra đầu thú, tùy vào mức độ gây thiệt hại, thì có thể bị xử phạt theo các quy định được hướng dẫn ở trên.

Hồng Hạnh