Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Làm thẻ căn cước mới nhưng không nộp căn cước công dân cũ, có bị xử phạt?

Một số người đi làm thẻ căn cước mới nhưng vẫn cố tình giữ lại căn cước công dân cũ, vậy điều này có trái quy định và bị xử phạt hay không?

Theo Luật Căn cước, từ ngày 1/7/2024, người dân sẽ được cấp thẻ căn cước thay vì thẻ căn cước công dân (CCCD) trước đây.

Khoản 3 Điều 21 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước nêu rõ, trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.

Đối chiếu quy định trên, công dân nếu thực hiện cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì sẽ bị thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân gắn chip, thẻ căn cước đang sử dụng.

Trước đây theo quy định của pháp luật, công dân làm thủ tục đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân sẽ phải thu hồi chứng minh nhân dân. Khi đó, chứng minh nhân dân sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng.

Việc thu lại chứng minh nhân dân cũ khi làm căn cước công dân mới là quy định bắt buộc. Nếu không thực hiện thu lại mà vẫn tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân và căn cước công dân cùng lúc sẽ bị xử phạt.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Cụ thể là hành vi sử dụng chứng minh nhân dân cũ song song với căn cước công dân được cấp mới.

Làm thẻ căn cước mới nhưng không nộp căn cước công dân cũ, có bị xử phạt?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mặc dù hiện chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với trường hợp không nộp lại căn cước công dân cũ khi làm thẻ căn cước mới, song theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi không nộp lại thẻ căn cước công dân khi làm thẻ căn cước có thể sẽ bị xử phạt do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử với mức phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng hoặc phạt cảnh cáo.

Ngoài ra, việc người dân vẫn sử dụng căn cước công dân cũ để thực hiện giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, ký kết hợp đồng có thể gặp rủi ro về pháp lý, bởi khi đã làm thẻ căn cước thay cho căn cước công dân cũ thì thẻ căn cước công dân cũ không còn giá trị sử dụng.

Trường hợp xảy ra tranh chấp, với các lý do như căn cước công dân hết hạn, không có giá trị về chứng minh nhân thân trong các thủ tục, giao dịch sẽ gây bất lợi cho người sử dụng, chưa nói đến việc một số đối tượng có thể lợi dụng thông tin trên căn cước công dân để lừa đảo.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, công dân khi đi làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước mới cần tự giác nộp lại căn cước công dân gắp chip, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, đồng thời chỉ nên dùng một loại thẻ trong các giao dịch nhằm thống nhất thông tin, tránh rủi ro, phát sinh tranh chấp.

Theo quy định chuyển tiếp tại Điều 46 Luật Căn cước 2023, nếu công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân đã cấp trước 1/7/2024 thì được dùng đến hết thời hạn in trên thẻ, cũng có thể yêu cầu cấp đổi sang thẻ căn cước mới nếu muốn. Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân nếu hết hạn sử dụng từ 15/1/2024 đến trước 30/6/2024 được sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Chứng minh nhân dân, nếu còn hạn sử dụng sau 31/12/2024 chỉ sử dụng đến hết 31/12/2024, loại giấy tờ này sẽ không còn giá trị sử dụng từ năm 2025.

Do vậy, những người đang sở hữu căn cước công dân, chứng minh nhân dân nếu hết hạn sử dụng từ 15/1 đến trước 30/6 phải thực hiện đổi sang thẻ căn cước ngay vào thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024) nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.

 

Minh Hoa (t/h)/Người đưa tin