Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Liên tiếp báo lỗ 5 quý gần nhất, Hàng hải Đông Đô (DDM) giải trình ra sao?

Khó khăn vẫn bủa vây CTCP Hàng Hải Đông Đô (UPCoM: DDM) khi doanh nghiệp liên tục thua lỗ.

Quý thứ 5 liên tiếp báo lỗ

Trước đó, sau năm 2023 thua lỗ nặng nề, phiên họp ĐHĐCĐ 2024 của DDM đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) lạc quan cho năm mới với doanh thu 392,5 tỷ đồng, cao hơn 82,7% thực hiện năm 2023.

1-1714124204.png
Nguồn: DDM.

Cùng với đó, công ty kỳ vọng lợi nhuận từ SXKD chỉ âm 31,73 tỷ đồng. Nếu bao gồm cả tái cơ cấu tài chính và thanh lý tàu, lợi nhuận trước thuế ước tính 123 tỷ đồng.

Thế nhưng, sau 3 tháng đầu năm 2024, DDM đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với kết quả không mấy khả quan. Theo đó, công ty đạt doanh thu thuần 50,3 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Thế nhưng, giá vốn hàng bán tăng 10% lên 72,1 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 21,8 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm sâu 85% về 378 triệu đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 6% lên 5,5 tỷ đồng. Do vậy, công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 31,4 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác biến động không đáng kể.

Trừ đi thuế, DDM báo lỗ ròng 30,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng lỗ 21,3 tỷ đồng, qua đó ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Thời điểm gần nhất công ty có lãi đã từ quý III/2022.

So với kế hoạch đề ra trong năm, DDM đã thực hiện được 13% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa so với mục tiêu lợi nhuận.

Giải trình nguyên nhân, DDM cho rằng thị trường vận tải biển còn khó khăn, giá cho thuê tàu và cước vận tải biển giảm mạnh, duy trì ở mức thấp do sự suy giảm của nhu cầu vận tải hàng hóa.

Trong hoàn cảnh đó, công ty đã từng bước tự khai thác tàu, giúp doanh thu tăng trưởng so với việc thuê tàu, thế nhưng giá vốn cũng tăng lên đáng kể dù công ty đã tiết giảm triệt để các chi phí.

Bên cạnh đó, tàu Đông Minh cũng phải lên đà sửa chữa định kỳ với chi phí lớn. Vì vậy, kết thúc quý I/2024, DDM lỗ đậm hơn cùng kỳ.

Để ứng phó với tình hình trên, lãnh đạo DDM cho biết công ty vẫn đang đẩy mạnh tìm kiếm phương thức khai thác đội tàu hiệu quả nhất, cũng như tích cực tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng tốt, triển khai thêm các hoạt động dịch vụ khác để tiết giảm giá cước, tăng hiệu quả khai thác và cải thiện dòng tiền.

Quỹ nợ “phình to”, vốn chủ âm triền miên, có 23 tỷ đồng gửi ngân hàng

Về cơ cấu tài sản, tính đến cuối tháng 03/2024, tài sản của DDM giảm nhẹ 2% về 514,4 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền gửi tại ngân hàng tăng 1 tỷ đồng so với số đầu năm, lên 23 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của daonh nghiệp tiếp tục “phình to” lên mức 1.373 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn 430,8 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nợ.

Ngoài ra, tình trạng vốn chủ sở hữu âm của doanh nghiệp này đã xảy ra từ năm 2012 (âm 33,2 tỷ đồng) và càng trầm trọng hơn cho đến nay khi ghi nhận âm 859 tỷ đồng.

Trước đó, DDM đã có hàng loạt những biến động “thượng tầng”. Cụ thể, công ty đồng ý để ông Lý Quang Thái, ông Trần Quang Toàn và ông Nguyễn Duy Luân thôi làm thành viên HĐQT; bà Nguyễn Thị Hằng thôi làm thành viên Ban kiểm soát.

Đồng thời, công ty bầu bà Phạm Thị Thu Hoài và bà Phạm Thị Anh Thư làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DDM có giá tham chiếu 1.300 đồng/cp và đang trong diện hạn chế giao dịch do vốn chủ âm trong báo cáo tài chính năm 2023.

Được biết, CTCP Hàng hải Đông Đô tiền thân là XNLH Vận tải biển pha sông (VISERITRANS). Ngày 29/04/1995, VISERITRANS chính thức trở thành doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES). Năm 2006, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với các ngành nghề kinh doanh chính như vận chuyển và làm đại lý, môi giới vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; sửa chữa duy tu và bảo dưỡng tàu biển...