Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Loãng xương: “Sát thủ thầm lặng” làm suy sụp sức khỏe, gia tăng tỷ lệ tử vong

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, loãng xương còn tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh cũng như tạo gánh nặng cho gia đình.


Nguồn tin từ báo Dân trí, loãng xương là một căn bệnh thầm lặng nhưng nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở người từ 50 tuổi trở lên.

Theo thống kê của Hiệp hội Loãng xương quốc tế (IOF), loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người trên toàn cầu, trong đó 21,2% phụ nữ và 6,4% nam giới từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh.

Mỗi năm, thế giới ghi nhận 37 triệu ca gãy xương do loãng xương ở người trên 55 tuổi, tương đương khoảng 70 ca mỗi phút. Ước tính, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới sau tuổi 50 sẽ gặp ít nhất một lần gãy xương do loãng xương.

Thông tin được ThS.BS. Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, chia sẻ tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Dinh dưỡng - Bệnh không lây với chủ đề Dưỡng chất cho xương - Giải pháp hỗ trợ loãng xương ở người lớn tuổi.

Vị bác sĩ nhấn mạnh, tình trạng loãng xương không chỉ là vấn đề toàn cầu mà còn đặc biệt đáng lo ngại tại các quốc gia và đô thị đang già hóa nhanh như TPHCM, nơi hiện có hơn 1,5 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 16% dân số.

1-1751428170.webp
Loãng xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

 

Đây là một thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội, đòi hỏi những giải pháp toàn diện và bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.

 

Chia sẻ với Znews, Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết loãng xương là kết quả của sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Trong đó, quá trình hủy xương chiếm ưu thế. 

Cụ thể, vị chuyên gia phân tích nguyên nhân gây loãng xương thường được chia thành 2 nhóm gồm nguyên phát và thứ phát.

“Loãng xương nguyên phát là những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính”, TS Ngọc nói.

Mặt khác, loãng xương thứ phát gồm các nguyên nhân cụ thể như bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận…), thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay vấp ngã)...

2-1751428221.webp
Loãng xương là căn bệnh đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi, gây ảnh hưởng cho khoảng 500 triệu người trên thế giới.

Liên quan vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Châu Tuấn, khoa Nội Cơ Xương Khớp, nhận định loãng xương là bệnh diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng đặc trưng.

“Chỉ khi mật độ xương giảm nặng dẫn đến những cơn đau dai dẳng hoặc các biến chứng của gãy xương như biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống và một thay đổi như giảm chiều cao, gù… người bệnh mới nhận ra”, chuyên gia cảnh báo.

Vị bác sĩ này cho rằng để đạt được hiệu quả điều trị tối đa cũng như phòng ngừa các biến chứng, người bệnh loãng xương cần phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.

Ông nhấn mạnh người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ để xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì thói quen vận động cơ thể nhằm tăng sức bền, khả năng giữ thăng bằng, đồng thời tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia.

1-1751428277.jpeg
Ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá để đảm bảo tình trạng xương khớp.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày. Còn hút thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi, ức chế hoạt động của tế bào tạo xương và làm giảm mật độ xương dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương, thông tin trên VnExpress.

Việc thiếu vận động thể lực khiến cơ và mật độ xương bị suy yếu, làm suy giảm khối cơ, tăng nguy cơ loãng xương và té ngã ở người lớn tuổi. Vận động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, liên tục 5 ngày trong tuần với cường độ trung bình và tùy theo tình trạng sức khỏe sẽ giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ loãng xương.


 

Thu Hương (t/h)