Ông lớn lấn sang mảng bảo hiểm
Mới đây, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (HoSE: TCB) vừa thông qua nghị quyết góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.
Theo đó, Techcombank sẽ rót 1.040 tỷ đồng vào TCLife để nắm 80% vốn điều lệ, phần còn lại do Vingroup và các cổ đông khác góp.
Đáng chú ý, trong số các cổ đông này có sự xuất hiện của Vingroup, tập đoàn đa ngành với hệ sinh thái trải rộng trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghệ, du lịch, y tế, giáo dục, ô tô…
Techcombank dự báo từ năm thứ ba sau khi thành lập TCLife sẽ thu hồi vốn và ghi nhận lợi nhuận ròng 605 tỷ đồng. Sau 5 năm, con số này có thể đạt gần 1.200 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận 23,4%.
Ngoài mảng nhân thọ, Techcombank mở rộng sang cả lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Cụ thể, ngân hàng này cũng vừa thông qua nghị quyết mua lại cổ phần để Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns) trở thành công ty con.
Hiện tại, TCGIns có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Techcombank dự kiến mua lại 57% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển NewCo, tương đương 28,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Sau giao dịch này, Techcombank sẽ nắm giữ 68% cổ phần tại bảo hiểm phi nhân thọ TCGIns.
Các "ông lớn" tài chính lấn sân chiếm lĩnh thị trường bảo hiểm "màu mỡ".
Ngoài “ông lớn” ngân hàng Techcombank, gần nhất vào tháng 9/2024, Công ty cổ phần đầu tư F88 đã thành lập Công ty cổ phần Công nghệ ngôi nhà xanh, chuyên phân phối bảo hiểm. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần đầu tư F88 trực tiếp góp 99,99% cổ phần.
Được biết, Công ty CP Công nghệ Ngôi Nhà Xanh phân phối các sản phẩm bảo hiểm bình dân với mức phí phải chăng và phát triển mảng kinh doanh bảo hiểm số. Hiện Ngôi nhà xanh đang phân phối mảng bảo hiểm phi nhân thọ cho các nhà bảo hiểm gốc PVI, MSIG… với các sản phẩm bảo hiểm trợ cấp nằm viện, bảo hiểm TNDS xe cơ giới, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm vật chất xe…
Trước đó, vào năm 2019 Công ty cổ phần đầu tư F88 và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) đã từng ký kết hợp đồng hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, mạng lưới cửa hàng kinh doanh của F88 là kênh phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của MAP Life.
F88 kỳ vọng với việc doanh nghiệp này có 888 điểm giao dịch trên toàn quốc tính đến cuối năm 2024 sẽ giúp cho DN mở rộng kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm này đến với khách hàng.
Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) tính đến 31/12/2024, với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, PVI vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần chiếm gần 17%, đứng thứ hai là Bảo Việt chiếm 13,2%, các vị trí tiếp theo thuộc về Bảo Minh, MIC, PJICO chiếm lần lượt 7,5%, 6,3% và 5,5%.
Nhiều chuyên gia đánh giá, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng bền vững với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 11,3% trong giai đoạn 2017-2023. Thị trường hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng gấp 10 lần ước đạt 28 tỷ USD vào năm 2030.
Còn đối với bảo hiểm nhân thọ, số liệu của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 8/2024, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm dẫn đầu là Bảo Việt Nhân thọ (22,5%), đứng sau lần lượt là các doanh nghiệp bảo hiểm Manulife (16,3%), Prudential (15,4%), Dai-ichi (13,1%), AIA (10,2%), Chubblife (3,2%), MB Ageas (2,9%), FWD (2,9%), Generali (2,8%), Sun Life (2,5%), Hanwha (2,5%), Cathay (2,3%), MVI (1,5%), các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP tại Việt Nam còn ở mức rất thấp (2,24% năm 2023) so với mặt bằng chung của khu vực như Thái Lan và Malaysia (ở mức 5%) và trung bình toàn thế giới (khoảng 7%), do đó thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn.
Lợi thế của người đi sau
Trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học kinh tế TP. HCM cho rằng việc tham gia thị trường bảo hiểm của các định chế tài chính tại Việt Nam như Techcombank, F88 gia tăng tính cạnh tranh và sẽ mang lại lợi ích cho người tham gia.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân.
Trong khoảng 30 năm phát triển của thị trường này, đặc biệt trong mảng bảo hiểm nhân thọ phần lớn là các DN bảo hiểm đa quốc gia, nhưng hiện giờ các định chế tài chính trong nước, ngân hàng cũng đã tham gia bởi mảng này tương đối “màu mỡ” và tiềm năng trong tương lai.
Thứ nhất, nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân nhằm bảo vệ tài chính là có, nhận thức về vai trò của bảo hiểm được nâng cao. Tiếp theo, thị trường sẽ mở rộng rất nhanh trong thời gian tới kể cả bảo hiểm nhân thọ cũng như phi nhân thọ cùng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế.
“Đất nước ta sẽ đến một giai đoạn tăng trưởng giống như các nước phát triển khác trên thế giới, và nhu cầu về bảo hiểm sẽ rất lớn”, ông Huân khẳng định.
Ông Huân nhận định, với TCLife, TCGIns có thể thấy được chiến lược của họ sẽ tận dụng nguồn khách hàng dồi dào của ngân hàng Techcombank, hệ sinh thái Vingroup rộng lớn để mở rộng thị trường, chiếm lĩnh miếng bánh bảo hiểm, đẩy doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn. Đó là lợi thế của người đi sau.
Tuy nhiên, ông Huân cũng quan ngại, yếu tố cốt lõi để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững nằm ở chất lượng tư vấn nhưng hiện việc này cũng chưa được cải thiện nhiều, kể cả khi có việc xuất hiện của các “ông lớn” tài chính tại Việt Nam như Techcombank.
Đặc thù của ngành bảo hiểm nhân thọ, các DN bảo hiểm đa quốc gia, khi mới vào thị trường Việt Nam họ phải mất trung bình trên dưới 10 năm mới có thể có lãi do thị trường sơ khai, phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để “khai mở”.
“Đối với mảng nhân thọ mà TCLife đặt mục tiêu từ năm thứ 3 thu hồi vốn, năm thứ năm đạt gần 1.200 tỷ lợi nhuận thì buộc họ sẽ phải tập trung vào việc bán được nhiều sản phẩm thay vì chất lượng tư vấn”, ông Huân nêu quan điểm.