Đằng sau diện mạo "kỳ quái" là quy trình làm đẹp nghiêm túc
Trào lưu này được gọi là "morning shed", tạm dịch là “lột xác buổi sáng”, ám chỉ việc phủ nhiều lớp sản phẩm skincare vào ban đêm để “lột bỏ” vào sáng hôm sau.
Một người theo đuổi trào lưu này là SaraJane Warner, 39 tuổi, sống tại Utah (Mỹ). Cô kể, chồng và con trai vị thành niên từng nghĩ cô “đóng giả Hannibal Lecter” khi lần đầu nhìn thấy ngoại hình buổi tối: mặt dán đầy mặt nạ, quấn dây định hình cằm, miệng bị dán kín.
“Chính tôi khi nhìn vào gương cũng thấy mình trông buồn cười,” Warner chia sẻ với Wall Street Journal.

Chồng cô, Nick Warner, một giám đốc công nghệ, nói: “Tôi đang ngồi trên ghế thì cô ấy bước ra, và tôi chỉ biết thốt lên: ‘Cái gì đang bám trên mặt em thế này?’”
Không riêng gì Warner, hàng loạt TikToker Gen Z cũng chia sẻ quy trình dưỡng da buổi tối dài gần cả tiếng đồng hồ: từ đắp mặt nạ retinol, bôi dầu thầu dầu lên mi và mày, quấn tóc bằng dụng cụ không nhiệt, đến việc đội mũ ngủ lụa để chống rối tóc.
Một phụ nữ 24 tuổi tên Daisy kể bạn trai cô thường xuyên tỏ ra khó chịu khi thấy cảnh tượng mỗi tối. Còn Snoop Lozano, 29 tuổi, gọi vợ mình là “quái vật đầm lầy chính hiệu” mỗi lần cô bước vào giường ngủ trong bộ dạng trùm kín từ đầu đến cổ.
Tammy Weatherhead, một nhà sáng tạo nội dung 44 tuổi ở Dallas, chia sẻ rằng cô thường xuyên ngủ với mặt nạ collagen, miếng dán mắt và miệng. Để giữ mọi thứ không bị lệch khi ngủ, cô còn đặt gối bao quanh mặt. “Thú thật là chẳng thoải mái gì cả. Có hôm tỉnh dậy thì mặt nạ rơi dưới đất,” cô nói, và thừa nhận thường chỉ áp dụng khi chồng đi công tác.
Một số người tham gia trào lưu khẳng định dán miệng giúp cải thiện chứng nghiến răng hoặc khớp hàm, và rằng các đai định hình cằm khiến khuôn mặt họ “thon gọn” hơn sau khi ngủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và da liễu lại có cái nhìn rất khác.
Bác sĩ cảnh báo, Gen Z vẫn “lột xác” mỗi sáng
Bác sĩ Angelo Landriscina, chuyên gia da liễu tại New York, cảnh báo rằng đeo đai cằm và dán miệng có thể gây đau hàm, nhức đầu và khó thở, thậm chí ảnh hưởng đến giấc ngủ. “Việc dán miệng khi ngủ không làm thay đổi cấu trúc xương mặt, và bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến đường thở đều là rủi ro,” ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh: “Đừng dùng các sản phẩm skincare nếu chúng không được chỉ định bởi chuyên gia. Các thiết bị bôi, dán, quấn quanh mặt vào ban đêm không có dữ liệu khoa học đủ mạnh chứng minh hiệu quả.”
Bác sĩ Nava Greenfield, một chuyên gia da liễu tại New York, gọi xu hướng này là một chiêu trò câu view trên TikTok. Trả lời Well+Good, bà khẳng định: “Tôi nghi ngờ việc các influencer thực sự sử dụng quy trình này hàng đêm. Đây chủ yếu là hình thức gây sốc thị giác để câu tương tác.”


Bất chấp mọi cảnh báo, trào lưu “quái vật đầm lầy” vẫn đang bùng nổ trên mạng xã hội, với hàng triệu lượt xem mỗi video chia sẻ “before – after” sau một đêm đắp cả tiệm mỹ phẩm lên mặt.
Với nhiều người trẻ, đây không chỉ là làm đẹp, mà còn là khẳng định quyền kiểm soát ngoại hình và thời gian cá nhân, thậm chí là một phần của lối sống “chăm sóc bản thân”, "self-care" thời hiện đại.
Dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị người dùng nên tỉnh táo chọn lọc xu hướng, tránh biến làn da và cơ thể mình thành “thí nghiệm” không kiểm soát.