Những ngày qua tại Quảng Bình, công tác khắc phục hậu quả sau lũ được chính quyền và người dân địa phương tích cực, chủ động triển khai. Trước đó, ngay khi có thông tin về tình hình mưa bão, chính quyền địa phương tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tại chỗ khoảng 9.000 hộ dân.
Cũng theo baophapluat.vn, Công an huyện Quảng Bình phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành sơ tán, di dời 89 hộ, 333 nhân khẩu tại các vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở, bố trí các điều kiện ăn ở trong thời gian sơ tán tránh lũ.
Theo vtcnews.vn, đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Người dân địa phương cho biết, trận lũ này chỉ còn cách đỉnh lũ lịch sử năm 2020 khoảng 50 - 63cm tuỳ từng khu vực.
Do mực nước lên nhanh, nhiều ngôi nhà cấp 4 bị ngập, chìm sâu trong biển nước. Để đảm bảo an toàn, những ngôi nhà cao tầng nhanh chóng trở thành nơi trú ẩn của bà con trong vùng. Bà Phan Thị Thảo nằm ven sông Kiến Giang ở thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Tôi ở phía ngoài ruộng ven sông, nhà ngập 1,5m, gặp đoạn nước lũ lên nhà không có ai hết toàn người yếu thế, may mắn nhờ con cái của gia đình hàng xóm chạy ra chở vào tránh lũ, cưu mang, cùng nấu cơm ăn chung với nhau..." (vov.vn).
Hay như gia đình ông Đinh Hòa, ở thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy đã mở cửa đón bà con bị ngập lụt đến tránh trú, chuẩn bị chỗ nghỉ, đồ ăn, nước uống đầy đủ. Ông Đinh Hòa dùng thuyền của gia đình để vượt lũ, chạy đến khu vực ngã ba Cam Liên- Quốc lộ 1A để nhận hàng cứu trợ, tiếp tế, đi mua dầu thắp đèn, nước uống để đưa về phân phát cho bà con hàng xóm.
Với tinh thần "tương thân, tương ái", ông Nguyễn Văn Vui, ở thôn Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy kêu gọi mọi người trong xóm đến nhà mình ở cùng "chỉ mong sao mọi người được bình an".
Khi lũ lên, căn nhà cấp 4 của gia đình bà Lê Thị Mai (SN 1965), nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước, đến chiều 30/10, lũ đang rút dần, nhưng vẫn ngập gần 1m. Để đảm bảo an toàn trong lũ lụt, vợ chồng bà Mai đã đến ở nhờ tại căn nhà 2 tầng của hàng xóm, chờ nước rút mới trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả (dantri.com).
Ngay khi có thông tin về tình hình mưa bão, chính quyền địa phương tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tại chỗ khoảng 9.000 hộ dân.
Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: "Là địa phương thường xuyên lũ lụt, chúng tôi luôn sẵn sàng mọi phương án để ứng phó. Với hộ dân nhà thấp, ngập sâu, địa phương tổ chức di dời hoặc vận động bà con sơ tán đến nhà cao tầng. Xã cũng công bố số điện thoại rộng rãi để bà con điện khi cần, chúng tôi cắt cử người hỗ trợ kịp thời".
Ngoài ra, nhiều đoàn cứu trợ không quản đường xa chở nhu yếu phẩm đến rồi thuê thuyền vượt biển nước mênh mông vào đưa tận tay người dân đang gặp nạn. Nhiều vùng ở xa, các thuyền không kịp hoặc không thể tiếp cận thì sẽ có người tình nguyện chèo thuyền ra xin đồ tiếp tế của đoàn từ thiện chở vào rồi chia cho hàng xóm.
Mưa lũ đã làm 7 người chết và 26 người bị thương; 34.488 nhà bị ngập, trong đó 14.000 ngôi nhà bị ngập sâu từ 01m trở lên; 58 thôn, bản của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh bị chia cắt, cô lập hoàn toàn; khoảng 791 ha rau màu, 895 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, cuốn trôi, 70.538 gia cầm, 488 gia súc bị chết và cuốn trôi, 05 tàu cá chiều dài từ 09 - 11m bị chìm tại các khu vực neo đậu truyền thống do mưa lớn, kết hợp sóng đánh nước tràn vào, gây chìm tàu; 84 điểm đường giao thông bị ngập, trong đó có 14 điểm thuộc các tuyến quốc lộ, 10 điểm sạt lở mái taluy đường với trên 3.000m3 đất, đá; khu vực thành phố Đồng Hới xuất hiện nhiều điểm ngập sâu từ 0,5 đến 1,0 m. Mố trụ cầu Cồn Cùng, xã Kim Thủy bị sạt lở nghiêm trọng; 93 điểm trường với 832 phòng học và 20 trạm y tế bị ngập từ 0,5 - 03m... Thiệt hại do thiên tai mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính ban đầu khoảng 615 tỷ đồng, trong đó huyện Lệ Thủy 300 tỷ đồng, huyện Quảng Ninh 200 tỷ đồng.