Ba tháng trời đi khám không ra bệnh, càng ngày càng nặng thêm
Câu chuyện bắt đầu sau một buổi nhậu, khi người đàn ông tỉnh dậy với khuôn mặt sưng phù, mí mắt sưng vù. Anh nghĩ đơn giản là tác dụng phụ sau rượu, nên chủ quan bỏ qua. Nhưng vài ngày sau, khi tình trạng vẫn không thuyên giảm, anh quyết định đi khám.
Các bác sĩ ban đầu không phát hiện vấn đề gì nghiêm trọng ở tim. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu lại cho thấy mức protein cao bất thường, có thể liên quan đến thận hoặc phù nề. Anh được kê đơn thuốc và cho về.

Thế nhưng tình trạng chỉ tệ hơn. Sưng lan khắp người, ngực bắt đầu đau và tức, bụng cũng phình lên bất thường. Anh đi khám thêm nhiều nơi nhưng không bác sĩ nào đưa ra được chẩn đoán rõ ràng.
Phải đến khi được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Qilu ở Thanh Đảo, ba tháng sau kể từ ngày đầu xuất hiện triệu chứng, sự thật mới được hé lộ.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh mắc phình xoang Valsalva bị vỡ (RSOVA), một tình trạng cực hiếm gặp liên quan đến tim. Đây là một dạng phình mạch tại khu vực gốc động mạch chủ, có thể vỡ bất ngờ do vận động mạnh hoặc gắng sức, đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra sau khi uống rượu.
Các bác sĩ tin rằng, việc tập thể dục quá sức sau khi nhậu nhẹt chính là nguyên nhân kích hoạt vết vỡ, khiến khuôn mặt của người đàn ông bắt đầu sưng lên một cách kỳ lạ.
Theo báo cáo đăng trên Journal of Medical Case Reports, RSOVA ảnh hưởng đến chưa đầy 0,1% dân số và thường không có dấu hiệu rõ rệt trước khi vỡ. Khi vỡ, các triệu chứng rất đa dạng: từ đau ngực, khó thở, choáng váng đến sưng toàn thân như trường hợp hiếm gặp này.
Nếu không được điều trị, RSOVA có thể dẫn đến suy tim và tử vong trong vòng một năm. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời, tỷ lệ sống sót lâu dài là rất cao.

Một lần “xả stress” tưởng nhẹ nhàng, suýt phải trả giá bằng cả mạng sống
Các bác sĩ tại Qilu nhận định, những cơ sở y tế trước đó đã bỏ qua các dấu hiệu quan trọng, bao gồm cả tiếng tim đập bất thường, vốn có thể là chỉ dấu của vết vỡ.
Việc bỏ sót này khiến quá trình điều trị bị trì hoãn, bệnh tình xấu đi nhanh chóng. Khi nhập viện, anh đã trong tình trạng suy tim cấp tính toàn diện, nguy kịch đến mức phải mổ gấp.
Ca phẫu thuật may mắn thành công, các bác sĩ đã vá lại phần mạch bị vỡ. Sau 18 tháng, bệnh nhân phục hồi tốt, không để lại biến chứng nghiêm trọng.
Trong báo cáo kết luận, nhóm bác sĩ nhấn mạnh rằng RSOVA cần được đưa vào danh sách cân nhắc khi chẩn đoán suy tim ở người trẻ tuổi, dù căn bệnh này phổ biến hơn ở người cao tuổi.
Câu chuyện không chỉ cảnh tỉnh về việc tự suy đoán bệnh lý, mà còn là lời nhắc nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng: Đừng xem nhẹ cơ thể mình, nhất là sau khi uống rượu. Một chút nhức đầu, sưng mặt hay mệt mỏi tưởng chừng vô hại, có thể đang che giấu một “quả bom nổ chậm” trong cơ thể.
Và nếu bạn vừa trải qua một đêm tiệc tùng, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lao vào phòng gym sáng hôm sau. Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi, không phải thử thách thêm một lần nữa.