Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia công tác tư vấn pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sáng 13/9, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư Pháp tổ chức tọa đàm: Nắm bắt tình hình thực hiện đề án Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" (Đề án 977); Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" (Đề án 345); "Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025" (Chương trình 81) tại Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

1-1726234122.jpg
Quang cảnh tọa đàm (Ảnh: Kim Thoa).

Phát biểu tại tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án 977, Đề án 345; Chương trình 81 tại Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. 

Đồng thời, mong muốn lắng nghe các ý kiến chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình tổ chức thực hiện các Đề án và Chương trình này. 

Cùng với đó là lắng nghe những đề xuất, nhu cầu phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Trung ương Hội Luật gia với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Từ đó, sẽ có những hoạt động phối hợp cụ thể giữa các đơn vị của Hội Luật gia và Cục Phổ biến giáo, dục pháp luật.

2-1726234122.jpg
Ông Dương Đình Khuyến - Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Ông Dương Đình Khuyến - Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho biết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Lãnh đạo Trung ương Hội giao cho Ban Nghiên cứu Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật chủ trì thực hiện; đối với công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giao Ban Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thực hiện.

Theo ông Khuyến, trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội và các Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc các cấp Hội trong cả nước, tích cực tham gia công tác tư vấn pháp luật cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả đạt được đáng khích lệ và được người dân và các doanh nghiệp đánh giá cao. 

Tính đến nay, tại Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có 10 Trung tâm tư vấn pháp luật; cấp tỉnh Hội có 68 Trung tâm tư vấn pháp luật; cấp huyện Hội có 35 trung tâm tư vấn pháp luật.

Trong đó có 6 tỉnh (Hà Giang, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn) thành lập 2 trung tâm trực thuộc Hội Luật gia cấp tỉnh, tỉnh Quảng Trị chưa thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật. 

Hiện nay, toàn hệ thống tư vấn pháp luật của các cấp Hội có khoảng trên 1.100 người, trong đó có 700 tư vấn viên, 200 cộng tác viên tư vấn pháp luật và 200 luật sư.

3-1726234122.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật (Ảnh: Kim Thoa).

Báo cáo về tình hình thực hiện Đề án 977, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Trưởng Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cho biết: Từ năm 2023 đến nay với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động phát huy trách nhiệm xã hội của mình trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật bằng nhiều giải pháp và nhiều hoạt động thiết thực. 

Cụ thể như: Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên của các cấp Hội; công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở; công tác truyền thông, báo chí và xuất bản.

Đặc biệt là xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030".

4-1726234123.jpg
Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Kim Thoa).

Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật của Hội Luật gia cho rằng tọa đàm không chỉ là buổi nắm bắt công việc đã thực hiện thời gian qua mà cần tiếp cận đúng và sâu hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của các đơn vị của Trung ương Hội trong việc thực hiện nhiệm vụ được nêu trong các Đề án, Chương trình.

Tại tọa đàm, đông đảo các chuyên gia, đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý, đề xuất để thực hiện có hiệu quả các Đề án 977, Đề án 345 và Chương trình 81 trong thời gian tới.

Kết luận tọa đàm, bà Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận những kết quả, nỗ lực của các ban chuyên môn thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã làm được trong thời gian qua liên quan đến tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

5-1726234122.jpg
Bà Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật kết luận tọa đàm (Ảnh: Kim Thoa).

Về Đề án 977, bà Hoa mong muốn thời gian tới Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục bám sát nhiệm vụ Hội được giao cụ thể trong Đề án.

Đối với Đề án 345 và Chương trình 81 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hội Luật gia cần tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật, đội ngũ hội viên để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ mà Hội được giao.

Hoàng Bích – Kim Thoa

Theo Hoàng Bích – Kim Thoa/Người đưa tin