Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Trịnh Văn Quyết tẩu tán 4.300 tỷ đồng thu lợi bất chính vào việc gì?

Số tiền hơn 4.300 tỷ đồng thu lợi bất chính từ phạm tội, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm dùng để mua cổ phần tại các công ty, trả nợ, sửa biệt thự, chi tiêu cá nhân.

Trong kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, bị can Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC bị đề nghị truy tố 2 tội danh, gồm thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán", trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng để Huế quản lý, sử dụng thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế bán cổ phiếu ra thị trường thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Trong số tiền thu lợi bất chính từ hành vi trên, Cơ quan điều tra đã xác định các bị can sử dụng hơn 122 tỷ đồng để mua cổ phần của 3 công ty thuộc hệ sinh thái FLC (gồm 83,7 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt; 29,3 tỷ đồng vào Công ty Newland Holdings để mua cổ phần Công ty cổ phần FLC Travel; hơn 9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Nông dược HAI để mua cổ phần của Công ty cổ phần Nông dược HAI).

Các bị can cũng chuyển 36,7 tỷ đồng vào tài khoản của vợ và em gái bị can Trịnh Văn Quyết để sử dụng. Trong đó, chuyển vào tài khoản bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ bị can Quyết) 35,95 tỷ đồng; Trịnh Thị Minh Huế hơn 770 triệu đồng.

Hồ sơ điều tra - Trịnh Văn Quyết tẩu tán 4.300 tỷ đồng thu lợi bất chính vào việc gì?

Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã thu lợi bất chính hơn 4.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị can còn chuyển hơn 73,6 tỷ đồng vào tài khoản của một người tên Tống Xuân Vương, để trả nợ cho Trịnh Văn Quyết và hơn 7,7 tỷ đồng được sử dụng để sửa chữa căn nhà biệt thự tại khu đô thị Mỹ Đình (Hà Nội) đứng tên vợ chồng bị can Trịnh Văn Quyết.

Số tiền hơn 482 tỷ đồng còn lại tiếp tục được lưu giữ trong các tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi mua, bán chứng khoán.

Hơn 3.600 tỷ đồng lừa đảo đi về đâu?

Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các Công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống 3.102,4 tỷ đồng vốn góp vào Công ty Faros làm tăng vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán, từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022 (thời điểm bị khởi tố, tạm giam), Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Công ty Faros thu được 4.818 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Hồ sơ điều tra - Trịnh Văn Quyết tẩu tán 4.300 tỷ đồng thu lợi bất chính vào việc gì? (Hình 2).

Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Công ty Faros thu được 4.818 tỷ đồng.

Làm rõ đường đi của số tiền hơn 3.600 tỷ đồng trên, Cơ quan điều tra xác định, sau khi bán cổ phiếu ROS và rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng, các bị can nộp hơn 181 tỷ đồng vào tài khoản của CTCP Tập đoàn FLC và 5 công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn FLC (Công ty CFS 50 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn FLC gần 76 tỷ đồng, Công ty FLC Nghỉ dưỡng 50 tỷ đồng, Công ty Địa ốc Star 3,5 tỷ đồng, Công ty Ion Complex 1,4 tỷ đồng, Công ty FLC Land 200 triệu đồng).

Các bị can còn nộp 436,4 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân để thanh toán, trả nợ vay (Tống Xuân Vương 196,57 tỷ đồng, Nguyễn Thị Xuân Hoa 195 tỷ đồng; Lê Thị Ngọc Diệp 19,8 tỷ đồng; Trịnh Văn Quyết 5 tỷ đồng…).

Đồng thời, nộp hơn 380 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán của các cá nhân, pháp nhân do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để tiếp tục mua bán chứng khoán. Ngoài ra, các bị can còn rút tiền mặt hơn 44,8 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân.

Số tiền còn lại hơn 2.578 tỷ đồng được rút tiền mặt, cùng với tiền thu được từ bán cổ phiếu ROS cho nhóm tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng và tiền bán chứng khoán khác (các mã FLC, GAB, HAI, ART, AMD).

Số tiền trên được sử dụng để nộp vào Tập đoàn FLC và các công ty con, công ty liên kết để đưa vào hoạt động kinh doanh; một phần nộp vào nhóm tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các cá nhân, pháp nhân do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, điều hành để mua bán chứng khoán; một phần dùng cho thanh toán cá nhân khác.

Nguyễn Thị Hồng Nhung/ Người Đưa Tin