Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chính quyền ông Trump mở hai cuộc điều tra thương mại lớn, nhắm vào chip và dược phẩm

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa chính thức khởi động hai cuộc điều tra thương mại quy mô lớn nhằm vào ngành công nghiệp chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu. Động thái này được giới quan sát đánh giá là bước đi quan trọng nhằm chuẩn bị áp đặt thuế quan mới, đồng thời có thể làm sâu sắc thêm căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo thông báo đăng tải trên Công báo Liên bang ngày 14/4, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu tiến hành điều tra tác động của việc nhập khẩu chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chất bán dẫn (SME), cùng các sản phẩm dược phẩm, tới an ninh quốc gia. Các cuộc điều tra được khởi xướng từ ngày 1/4 theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại và dự kiến kéo dài trong vòng 270 ngày.

Trong lĩnh vực chất bán dẫn, cuộc điều tra không chỉ tập trung vào các loại chip tiên tiến phục vụ trí tuệ nhân tạo mà còn bao gồm cả chip cũ, vi điện tử, các thiết bị sản xuất như máy quang khắc, cũng như các sản phẩm điện tử chứa thành phần bán dẫn. Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh, cuộc điều tra nhằm xác định khả năng “vũ khí hóa” chuỗi cung ứng bán dẫn và SME của các nước xuất khẩu.

Song song đó, cuộc điều tra về dược phẩm tập trung vào các sản phẩm thuốc thành phẩm, cả thuốc gốc và không phải thuốc gốc, cùng các thành phần đầu vào trong sản xuất dược phẩm. Đặc biệt, cuộc điều tra sẽ làm rõ mức độ phụ thuộc của Mỹ vào một số ít quốc gia cung cấp dược phẩm chủ lực và những rủi ro kéo theo.

1-1744682513.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữ). (Ảnh: Bloomberg)

Phát biểu tại một sự kiện gần đây, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “sản xuất tại Mỹ”, cho rằng các lĩnh vực như dược phẩm và bán dẫn phải được đưa trở lại lãnh thổ Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia. “Chúng ta không thể để các quốc gia khác kiểm soát chuỗi cung ứng những sản phẩm sống còn này”, ông tuyên bố.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, nếu thuế quan được áp dụng, chính người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ gánh chịu hậu quả trước tiên. Chi phí thuốc men và linh kiện điện tử có khả năng tăng vọt, khi các công ty buộc phải lựa chọn giữa việc chịu thuế hay chuyển chi phí sang giá bán.

Với doanh số toàn cầu vượt 600 tỷ USD, ngành bán dẫn được xem là huyết mạch công nghệ, cung cấp chip cho mọi sản phẩm từ xe hơi, máy bay cho đến điện thoại thông minh. Một đòn thuế mới từ Mỹ có thể làm chao đảo các tập đoàn xuất khẩu chip lớn như TSMC (Đài Loan), SK Hynix (Hàn Quốc) hay các nhà cung cấp thiết bị như ASML (Hà Lan) – công ty thống lĩnh toàn cầu về máy quang khắc cho chip AI tiên tiến.

Bloomberg cảnh báo, nếu các hãng này bị áp thuế, giá linh kiện có thể tăng mạnh, ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghệ, vốn vẫn đang vật lộn khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19.

Ở lĩnh vực dược phẩm, các tập đoàn đa quốc gia như Merck & Co., Eli Lilly, Johnson & Johnson hay Novartis cũng đang đối mặt với rủi ro tương tự. Phần lớn cơ sở sản xuất thuốc của họ đặt tại nước ngoài, khiến việc điều chỉnh mô hình sản xuất theo yêu cầu nội địa hóa trở thành bài toán khó.

Gần đây, một số hãng đã tuyên bố các khoản đầu tư lớn vào Mỹ, như Novartis cam kết rót 23 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, những khoản đầu tư này sẽ không đủ để vô hiệu hóa tác động từ thuế quan.

“Việc chuyển nhà máy sản xuất không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Chi phí đầu tư khổng lồ và thời gian kéo dài sẽ là trở ngại lớn cho các tập đoàn dược”, nhà phân tích David Risinger từ công ty tài chính Leerink Partners nhận định.

Việc khởi động điều tra thương mại vào thời điểm hiện tại được đánh giá là một phần trong chiến lược dài hạn của Tổng thống Trump nhằm tái định hình mô hình công nghiệp và thương mại Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng được nhìn nhận như một bước đi mang tính chính trị, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang vận động cho cuộc bầu cử sắp tới với thông điệp “Ưu tiên nước Mỹ”.

Một số ý kiến cho rằng Washington đang phát tín hiệu mạnh mẽ tới các đối tác thương mại rằng, việc lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, kể cả ở các lĩnh vực chiến lược như công nghệ và y tế, sẽ không còn được chấp nhận trong chính sách thương mại tương lai của Mỹ.

Trong vòng 21 ngày tới, công chúng được mời nêu ý kiến về các cuộc điều tra nói trên. Kết quả sẽ là cơ sở để Tổng thống Trump quyết định liệu có nên áp thuế quan mới, một bước đi được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và chiến lược phát triển công nghệ, y tế của nhiều quốc gia.

Ngọc Bảo (T/h)