Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gói thầu mua sắm hơn 17 tỷ đồng liên tiếp “vấp” nhiều kiến nghị, Điện lực Lạng Sơn trả lời ra sao?

Gói thầu mua sắm trị giá hơn 17 tỷ đồng do công ty Điện lực Lạng Sơn mời thầu và làm chủ đầu tư đã liên tiếp phải nhận kiến nghị từ các đơn vị tham dự. Lý do là một số tiêu chí trong E-HSMT có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Chủ đầu tư phải nhận không chỉ 1 kiến nghị…

Theo Quyết định số 1143/QĐ-PCLS ngày 2/11/2024, ông Phạm Ngọc Minh – Giám đốc công ty Điện lực Lạng Sơn đã ký phê duyệt E-HSMT (hồ sơ mời thầu) cho gói thầu “Mua sắm công cụ dụng cụ, biển báo, quần áo bảo hộ lao động năm 2024”.

qd-1143-1732613968.png
Quyết định số 1143/QĐ-PCLS ngày 2/11/2024.

Gói thầu này có giá dự toán 17.056.663.378 đồng, số thông báo mời thầu (TBMT) IB2400459965; được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng.

Trong thời gian nhận hồ sơ dự thầu (HSDT) từ ngày 3/11 đến ngày 22/11/2024, gói thầu đã thu hút sự tham gia của 3 nhà thầu gồm liên danh HDE – CP26, liên danh Đại Tam Sơn – Long Biên – Nam Á và liên danh KEP – TMTECH – HOANGMAI.

Đáng chú ý, trong quá trình đấu thầu, đã có nhiều kiến nghị từ các nhà thầu gửi đến bên mời thầu là công ty Điện lực Lạng Sơn do nhận thấy một số tiêu chí có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

du-an-cong-ty-dien-luc-lang-son-1732613903.jpg
Gói thầu mua sắm hơn 17 tỷ đồng do công ty Điện lực Lạng Sơn làm chủ đầu tư liên tiếp “vấp” nhiều kiến nghị.

Theo đó, ngày 19/11, một nhà thầu có đơn kiến nghị cho rằng, một số tiêu chí có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu như: nhà thầu phải có biên bản thử nghiệm mẫu đáp ứng tiêu chí thử nghiệm, xác nhận sử dụng hàng hóa của rất nhiều hạng mục dù hàng hóa mời thầu là hàng thông dụng.

“Theo kinh nghiệm nhiều năm tham gia các gói thầu cung cấp hàng hóa tương tự, chúng tôi khẳng định thời gian giao hàng như trên là phi thực tế nếu không có sự thông đồng giữa Bên mời thầu và nhà thầu để chuẩn bị trước. Chúng tôi thấy rằng việc Bên mời thầu sử dụng nguồn vốn năm 2024 nhưng tổ chức đấu thầu vào dịp cuối năm (còn hơn 40 ngày là kết thúc năm 2024) với mục đích gì? Có vấn đề cố tình trục lợi ở đâu không? Thậm chí có nguồn thông tin chúng tôi được biết chắc chắn liên danh VLP-HM-X26 sẽ trúng thầu và giá sát với dự toán?”, trích ý kiến từ nhà thầu.

Về ý kiến này, ngày 20/11, công ty Điện lực Lạng Sơn trả lời: Về biên bản thử nghiệm, xác nhận sử dụng hàng hóa, một số hàng hóa về dụng cụ an toàn điện, phục vụ cho người công nhân quản lý vận hành trực tiếp trên lưới, nên cần phải đảm chất lượng để cho người lao động sử dụng được an toàn trong vận hành. Để xác định chất lượng của sản phẩm hàng hóa đó cần có biên bản thử nghiệm, xác nhận sử dụng hàng hóa để đảm bảo các tiêu chuẩn.

tra-loi-0-1732613968.png
Văn bản trả lời kiến nghị số 2498/PCLS-KHVT+TTPC ngày 20/11/2024.

Còn về thời gian hợp đồng, hàng hóa công cụ dụng cụ công ty mua sắm là loại có sẵn trên thị trường, việc quy định về thời gian cấp hàng không ảnh hưởng đến việc hạn chế các nhà thầu tham gia. Quần áo bảo hộ lao động có thời gian giao hàng ngắn do may đo theo size có sẵn các thông số đo; quần áo gián tiếp may đo theo số đo của từng người lao động nên thời gian dài hơn.

Ngoài ra, công ty Điện lực Lạng Sơn khẳng định đã và đang thực hiện các thủ tục mua sắm theo đúng quy định của pháp luật về Luật đấu thầu và chỉ đạo của ngành, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong đấu thầu.

… mà còn “vấp” phải nhiều kiến nghị khác

Đến ngày 22/11, công ty Điện lực Lạng Sơn đã đăng tải văn bản trả lời làm rõ cho nhiều kiến nghị khác. Cụ thể, về ý kiến liên quan đến việc hủy bỏ quy định yêu cầu nhà thầu phải thực hiện thử nghiệm tại trung tâm thử nghiệm, công ty cho biết một số hàng hóa trong gói thầu có yêu cầu hạng mục thử nghiệm để kiểm soát chất lượng của hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn của E-HSMT. Qua kết quả thử nghiệm của 1 đơn vị độc lập, công ty sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá và lựa chọn các sản phẩm đáp ứng yêu cầu, việc này không làm hạn chế các nhà thầu tham gia.

Thứ hai, về việc tách các hạng mục gồm biển bảng, quần áo bảo hộ và công cụ thành các gói thầu riêng biết, công ty cho biết đang có nhu cầu đối với các loại hàng hóa này. Việc căn cứ vào tính chất kỹ thuật của hàng hóa, trình tự thực hiện, đảm bảo tính đồng bộ để có quy mô hợp lý, việc gộp thành 1 gói thầu không vi phạm các quy định pháp luật. Đồng thời cũng không hạn chế nhà thầu tham dự, đảm bảo cạnh tranh, tiết kiệm, rút ngắn thời gian. Trường hợp các đơn vị chưa đủ năng lực thì có thể liên danh theo quy định.

tl-12-1732613968.png
Mục 1 và 2. (Trích từ văn bản trả lời kiến nghị số 2512/PCLS-KHVT+TTPC ngày 22/11/2024)

Thứ ba là ý kiến về việc ghép hai lĩnh vực phi tư vấn và hàng hóa vào một gói thầu liên quan đến biển báo an toàn có nội dung đặc thù, công ty Điện lực Lạng Sơn khẳng định biển báo an toàn là sản phẩm được kết cấu từ nhiều vật tư khác nhau. Trong đó, in nội dung chỉ là 1 khâu nhỏ trong quy trình sản xuất, chỉ căn cứ vào đây mà quy vào dịch vụ phi tư vấn là không phù hợp.

Thứ tư, về tiêu chuẩn kỹ thuật tại mục 4: Găng tay cao su hỗ trợ cách điện, bên mời thầu cho rằng khi chào thầu, nhà thầu phải có tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất để chứng minh hàng hóa đáp ứng yêu cầu của HSMT. Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn đã nêu rõ: “chất liệu 100% Polyester phủ NBR tăng khả năng bám dính trong điều kiện ẩm ướt hoặc có dầu. Găng tay được thiết kế giúp người đeo không chỉ vừa vặn, thoải mái mà còn cầm nắm chắc chắn và thao tác chạm ngón tay một cách chính xác”.

Còn về dải điện áp trong yêu cầu kỹ thuật và phần thử nghiệm của mục 15: Bút thử điện 240V-110kV khác nhau, công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết, các cấp điện áp thuộc danh định phổ biến của lưới điện trong nước và thế giới, trong đó có  ±10% theo tiêu chuẩn vận hành, tần số công nghiệp. Vì vậy, việc thử nghiệm không nhất thiết phải giống hệt điện áp danh định, chỉ cần phù hợp với tình hình vận hành theo tiêu chuẩn ±10%. Mục đích là để đánh giá bút thử được cả cấp điện áp danh định và khi có chênh lệch điện áp.

Thứ năm, về yêu cầu kỹ thuật tại mục 7: Tiếp địa di động 35kV quy định thông số thử nghiệm mẫu bộ tiếp địa chịu được dòng ngắn mạch > 6kA/1s, chủ đầu tư cho rằng bộ tiếp địa chịu được dòng ngắn mạch > 6kA/1s là chấp nhận được. Lý do là sai lệch giữa mức ≥ 6kA/1s và > 6kA/1s rất bé, không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá thử nghiệm.

tl-345-1732613968.png
Mục 3, 4 và 5. (Trích từ văn bản trả lời kiến nghị số 2512/PCLS-KHVT+TTPC ngày 22/11/2024)

Thứ sáu, một nhà thầu đã dẫn lại tiêu chí trong biên bản thử nghiệm của E-HSMT: “Đường kính hạt” của đặc tính “Hạt kim tuyến 7 màu đa cạnh δ ≥0,030mm” và “Hạt kim tuyến ánh bạc δ≥0,035mm”. “Mật độ hạt” của đặc tính “Hạt kim tuyến 7 màu đa cạnh δ ≥ 40 hạt/cm2” và “Hạt kim tuyến ánh bạc δ≥10.000 hạt/cm2”.

Sau đó, nhà thầu này đặt ra những thắc mắc: “Thông số quy định này ở đâu? Theo tiêu chuẩn nào? Hiện tại các quy định của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc không có quy định về tiêu chuẩn của biển báo an toàn nào quy định thông số như vậy. Xin hỏi chủ đầu tư căn cứ vào đâu để quy định về thông số trên? Đơn vị nào cung cấp? Chúng tôi không biết Chủ đầu tư sẽ sử dụng phương pháp nào để nghiệm thu hàng hóa với yêu cầu kỹ thuật này? Hay chỉ đưa vào mới mục đích cài cắm còn khi nhà thầu ruột đã trúng thầu thì tiêu chí này sẽ không dùng để nghiệm thu vì không thể có phương pháp nào để nghiệm thu được các yêu cầu này”.

“Mặt khác chúng tôi thấy chủ đầu tư sử dụng ký tự “δ” cho cả đơn vị đo “đường kính hạt” và mật độ hạt” là đang không chính xác”, nhà thầu khẳng định.

Về vấn đề này, công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật biển báo an toàn theo quy định của Thông tư 05/2021/TT-BTC ngày 2/8/2021 có nội dung quy định về phân loại và quy cách các loại biển báo, nhưng chỉ quy định về hình dạng, kích thước. Thực tế trước đây, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết về chất liệu làm biển báo an toàn. Dựa vào đó cũng như qua thực tế triển khai, bên mời thầu cho rằng việc sử dụng thêm lớp sơn trên bề mặt biển và phun hạt kim tuyến ánh bạc sẽ tăng cường bảo vệ biển và cảnh báo buổi tối, chi phí thấp, cũng như thuận lợi trong quá trình chấm thầu.

Bên mời thầu cũng khẳng định đã đưa ra thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu sử dụng, có thể mở rộng cho nhiều nhà thầu tham dự, đồng thời cũng gợi ý một số trung tâm thử nghiệm, đo lường chất lượng đầy đủ chức năng cho các nhà thầu.

Thứ bảy là về bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm và việc một số mặt hàng có HScode giống nhau, nhưng chủ đầu tư lại tách ra thành quá nhiều hạng mục nhỏ. Công ty Điện lực Lạng Sơn trả lời, giá trị 11.939.600.000 đồng là giá trị 70% gói thầu. Bên cạnh đó, chỉ dẫn số 11 tại mục Quy mô của hợp đồng tương tự đã nêu, nhà thầu phải chứng minh được hàng hóa có cùng mã chương, mã nhóm thì chỉ tính giá trị cao nhất của hàng hóa có cùng mã chương, mã nhóm.

Cuối cùng là việc yêu cầu tại mục 34: Máy bắn bu lông không ghi rõ đơn vị tính, bên mời thầu đã bổ sung “Lực đập/tốc độ đập ≥ 0 - 4000 lần/phút; Tốc độ không tải ≥ 0 – 3200 vòng/phút”.

tl-678-1732613969.png
Mục 6, 7 và 8. (Trích từ văn bản trả lời kiến nghị số 2512/PCLS-KHVT+TTPC ngày 22/11/2024)

Một lần nữa, công ty Điện lực Lạng Sơn khẳng định đã tuân thủ, thực hiện đúng các thủ tục mua sắm theo quy định, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong đấu thầu.

Hiện, gói thầu “Mua sắm công cụ dụng cụ, biển báo, quần áo bảo hộ lao động năm 2024” của công ty Điện Lực Lạng Sơn đang trong giai đoạn đánh giá E-HSDT.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.