Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living (Luxury Living – PV) vừa có công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ghi nhận khoản lãi tăng đột biến so với cùng kỳ.
Cụ thể, công ty báo lãi ròng 1,9 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ lãi 25,4 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp thu về 5,4 triệu đồng tiền lãi trong năm 2023.
Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của Luxury Living tăng 11% lên 1.012 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận đạt được, tỷ suất ROE của doanh nghiệp dù tăng nhưng cũng chỉ đạt mức 0,20%.
Tính đến ngày 31/12/2023, hệ số nợ phải trả/vốn chủ của công ty tăng vọt từ 0,32 cùng kỳ lên 5,1 lần, tức tổng nợ ở mức 5.161 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu cũng gấp 4,7 lần vốn chủ, tương đương gần 4.800 tỷ đồng.
Liên quan tới vấn đề nợ phải trả của doanh nghiệp cao gấp nhiều lần vốn chủ, trả lời trên báo Lao động, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ đòn bẩy tài chính thì 1/1 được tính là bình thường, nghĩa là 1 đồng nợ phải trả, thì vốn chủ sở hữu cũng là 1 đồng. Thậm chí tỉ lệ 2/1 cũng không phải quá rủi ro, tình trạng báo động là tỉ lệ lên đến 3/1.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, để đánh giá doanh nghiệp có khả năng thanh toán hay không cần phải xem xét đến cả dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu chỉ nói vốn chủ sở hữu và tổng nợ thì chỉ là bức tranh mang tính thời điểm. Chẳng hạn như tại thời điểm này, tỉ lệ đòn bẩy là 1/1 hoặc 2/1, nhưng không nói lên được trong tương lai dòng tiền có về hay không.
Quay lại với Luxury Living, việc tổng nợ "phình to" gấp 5 lần vốn chủ cho thấy doanh nghiệp đã sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Nếu không nhanh chóng khắc phục vấn đề này, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong việc trả nợ.
Được biết, Luxury Living được thành lập năm 2020 với mã số thuế 0316187107. Theo tờ Tài chính Doanh nghiệp, ở thời điểm mới thành lập, Luxury Living do ông Trần Quốc Hoài là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty. Trong năm đầu hoạt động, Luxury Living có vị thế công ty siêu nhỏ khi vốn góp của chủ sở hữu chỉ… 10 triệu đồng, doanh thu 0 đồng và thua lỗ gần 6 triệu đồng. Kết quả, tại ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn… 4 triệu đồng.
Bước sang năm 2021, vốn điều lệ công ty tăng vọt lên 910 tỷ đồng nhưng Luxury Living vẫn duy trì doanh thu 0 đồng và thua lỗ khiêm tốn chỉ hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, bên kia bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Luxury Living tăng sốc, và tài sản được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Điển hình, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Luxury Living lên tới 5.655 tỷ đồng, cao gấp… 1,4 triệu lần so với cuối năm 2020. Theo đó, nợ phải trả lên tới 4.745 tỷ đồng, cao gấp 5,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 83,9% tổng nguồn vốn.
Thời điểm này, đã có một số nghi vấn cho việc Luxury Living có khả năng sẽ bị phá sản. Khi mà, nợ ngắn hạn đạt con số khổng lồ là 1.185 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn chỉ là 21,2 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại ngày 31/12/2021 của Luxury Living chỉ là 0,02, tức gần về tới hệ số 0.
Cũng từ ngày 3/11/2022, ông Phạm Thanh Quyết thay thế ông Trần Quốc Hoài để trở thành Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty. Ông Quyết cũng là người đại diện cho công ty TNHH Masterise Living. Cả hai doanh nghiệp đều có địa chỉ tại số 1B, đường 30, khu phố 2, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh khó khăn, ngày 10/3/2023 Luxury Living gây bất ngờ khi phát hành thành công lô trái phiếu LLFCB2328001, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 9%/năm. Khối lượng phát hành 48.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 4.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chỉ 3 ngày trước khi phát hành lô trái phiếu này, Luxury Living đã thực hiện giao dịch bảo đảm tại ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Theo đó, tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng dự án thành phần được ký kết giữa doanh nghiệp và công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Việt An.