Axit linoleic là một loại axit béo omega-6, xuất hiện nhiều trong các loại dầu hạt và dầu thực vật thông dụng như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu hạt bông, dầu cải, dầu nho, dầu rum và dầu cám gạo. Đây là những loại dầu thường được sử dụng trong nấu nướng, chế biến thực phẩm và công nghiệp thực phẩm đóng gói.
Theo Tiến sĩ John Blenis, trưởng nhóm nghiên cứu và chuyên gia về ung thư tại Weill Cornell Medicine, nghiên cứu cho thấy axit linoleic có khả năng “nuôi dưỡng” các tế bào ung thư vú, khiến chúng sinh sôi nhanh chóng và phát triển mạnh hơn. Điều đặc biệt đáng lo ngại là tác động này liên quan trực tiếp đến dạng ung thư vú ba âm tính (triple-negative) – một thể bệnh xâm lấn nhanh, có tỷ lệ sống thấp hơn và thường đòi hỏi phác đồ điều trị phức tạp bao gồm hóa trị, phẫu thuật và xạ trị.
“Chúng tôi hiện đã có bằng chứng rõ ràng rằng axit linoleic kích thích tế bào ung thư phát triển theo cách rất cụ thể,” ông Blenis khẳng định.

So với các dạng ung thư vú phổ biến khác, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân mắc ung thư vú ba âm tính chỉ khoảng 77%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 90%.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng phát hiện trên không đồng nghĩa với việc phải loại bỏ hoàn toàn các loại dầu hạt ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày. “Nghiên cứu không nhằm kêu gọi tránh xa tất cả các loại dầu thực vật, mà là lời nhắc về sự tiết chế và lựa chọn phù hợp, đặc biệt với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao,” ông nói thêm.
Theo bà Stephanie Schiff, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Northwell Huntington, vấn đề không chỉ nằm ở việc sử dụng dầu hạt, mà là sự mất cân bằng giữa hai loại axit béo omega-6 và omega-3 trong chế độ ăn hiện nay.
“Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều omega-6 mà thiếu hụt omega-3, điều này tạo ra tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể – vốn là tiền đề dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư,” bà Schiff lý giải.
Các loại dầu thực vật giàu omega-6, khi sử dụng với tần suất cao và kéo dài, có thể khiến tỷ lệ omega-6/omega-3 trong cơ thể vượt xa ngưỡng khuyến nghị, từ đó góp phần kích hoạt các phản ứng viêm tiềm ẩn.
Trước những phát hiện khoa học mới, giới chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống một cách hợp lý, thay vì chạy theo các xu hướng loại trừ cực đoan. Việc sử dụng dầu thực vật nên ở mức độ vừa phải, ưu tiên các loại dầu có tỷ lệ omega-3 cao hơn như dầu ô liu nguyên chất, dầu hạt lanh hoặc dầu cá, đồng thời bổ sung thêm thực phẩm tự nhiên giàu chất chống viêm như cá hồi, quả óc chó, rau xanh và trái cây tươi.
Tiến sĩ Blenis nhấn mạnh, dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là mảnh ghép duy nhất trong chiến lược phòng chống ung thư. “Một chế độ ăn uống cân bằng, dựa trên thực phẩm toàn phần luôn là nền tảng vững chắc trong việc ngăn ngừa ung thư và các bệnh mạn tính khác – và đó là điều mà ai cũng có thể bắt đầu ngay từ bữa cơm hôm nay,” ông kết luận.