Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?

Theo chuyên gia, việc tăng thuế rượu, bia lên một mức cao thì những tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều rượu bia cũng sẽ được kiểm soát và hạn chế.

Lời tòa soạn:

Sử dụng rượu, bia là một yếu tố gây cản trở sự phát triển bền vững ở các khía cạnh sức khỏe, kinh tế và xã hội. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và tử vong trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu, sử dụng rượu bia cản trở các quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững như: Xóa đói giảm nghèo, tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, bình đẳng giới… Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới có mức tiêu thụ rượu bia tăng nhanh, đặc biệt ở nam giới.

Để giảm thiểu các tác hại do việc sử dụng rượu bia gây ra, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình lên 100%. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của những nhà làm chính sách, doanh nghiệp ngành đồ uống và cả những chuyên gia trong lĩnh vực y tế.

Vậy, việc áp thuế tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam đã triển khai ra sao? Việc áp thuế như đề xuất sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với sức khỏe của người dân Việt cũng như tác động thế nào đối với ngân sách Nhà nước?

Mời quý độc giả đón đọc tuyến bài viết: “Lạm dụng đồ uống có cồn: Hệ lụy và giải pháp” trên Người Đưa Tin.

Chính sách hạn chế sử dụng đồ uống có cồn

Việt Nam từng xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỉ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới.

Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia. Bộ Y tế cho biết rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?- Ảnh 1.

Việt Nam từng xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.

Ngày 30/12/2019 của Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Nghị định quy định cụ thể các mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực thi hành. Đây là một trong những đạo luật có tác động mạnh đến đông đảo người dân cũng như cơ quan và cơ sở kinh doanh rượu bia. Đây được coi là một đạo Luật quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm giảm hậu quả về sức khỏe, kinh tế, xã hội do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần quan trọng để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, quy định cấm tuyệt đối khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đây cũng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo các ĐBQH trên nghị trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?- Ảnh 3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và tuổi thọ của giống nòi.

Theo Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nghiên cứu đã cho thấy rượu bia có tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của người lái xe.

Cụ thể, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số nạn nhân, trong đó 80% là do lỗi của người lái xe đã uống rượu, bia.

Từ năm 2018 đến 2023, số lượt nạn nhân cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế do uống rượu, bia lên tới 425.619 người, trong đó có 70.522 người bị chấn thương sọ não, chiếm 16,6% tổng số. Tỉ lệ nạn nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia cao hơn so với tỉ lệ chung (13,9%).

Nhận thấy tác hại nghiêm trọng của việc uống rượu, bia rồi lái xe, Bộ Công an kiến nghị xử lý nghiêm những người vi phạm, nhằm hình thành thói quen "Đã uống rượu, bia không lái xe" trong cộng đồng. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?- Ảnh 4.

Rượu bia có tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của người lái xe.

Cũng theo Bộ Công an, hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.

Giúp định hình hành vi tiêu dùng

Song song với việc siết chặt pháp luật về uống rượu, bia khi tham gia giao thông, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Mục tiêu là hạn chế sử dụng rượu, bia, qua đó giảm thiểu các hậu quả tai hại cho sức khỏe cộng đồng.

Theo dự thảo, có 2 phương án được đưa ra, song Bộ Tài chính nghiêng về phương án với rượu từ 20 độ trở lên được áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; bia các loại cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.

Bộ này ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách của Nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).

"Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018 tuy nhiên sức mua rượu, bia của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm", Bộ Tài chính nêu rõ và cho biết đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt lần này nhằm tăng giá bán thêm 10%, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo đó, so với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026. Các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?- Ảnh 5.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.

Bộ Tài chính cho rằng, tiêu dùng rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, dễ dẫn đến lạm dụng.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm làm giảm nhu cầu tiêu dùng rượu, bia, đặc biệt là với người trẻ tuổi. Điều này góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời cũng hạn chế các hành vi liên quan như lái xe khi đã uống rượu, bia.

Trong bối cảnh này, các cơ quan chức năng đang phải tìm cách cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn giao thông với lợi ích của các doanh nghiệp và quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Xoay quanh đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn của Bộ Tài chính, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.

“Việc tăng thuế rượu, bia lên một mức cao hơn có tác động làm cho tiêu thụ rượu bia sẽ ít đi và những tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều rượu bia cũng sẽ được kiểm soát và hạn chế”, ông Doanh nhấn mạnh.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia: Việc tiêu thụ sẽ ít đi?- Ảnh 6.

TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo ông, về mặt ngân sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sẽ tăng thêm khoản thu. Tuy nhiên, ông lưu ý nên tăng như thế nào để các doanh nghiệp rượu bia có thể ứng phó được với tình hình. Ông Doanh cho rằng cần đặt ra lộ trình làm từng bước.

Cùng với đó, ông Doanh cho rằng cần tổ chức các buổi hội thảo, tham khảo giữa các doanh nghiệp nhà máy rượu bia, người tiêu dùng và cơ quan thuế để người dân nắm được tăng thuế tiêu thụ sẽ có tác động như thế nào?

Vị chuyên gia cũng nêu dẫn chứng, trong mùa Euro 2024 nước Đức có lượng tiêu thụ rượu bia lớn nhất nhì thế giới. Thế nhưng, trong mùa Euro này, để giảm thiểu nồng độ cồn nước Đức đã có những sáng kiến mới mẻ như sản xuất ra những loại bia có nồng độ cồn thấp và có loại bia không có nồng độ cồn .

“Theo tôi, chúng ta nên tham khảo những kinh nghiệm của các nước để nhà máy sản xuất đồ uống có cồn có cơ hội điều chỉnh và sản xuất ra những sản phẩm thích nghi đối với tình hình”, ông Doanh nói.

Ông Doanh nhấn mạnh, khi áp dụng mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn sẽ giúp định hình hành vi tiêu dùng và khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới, phát triển các sản phẩm có nồng độ cồn thấp. Điều này, sẽ giúp đảm bảo mục tiêu sức khỏe cộng đồng và tăng thu bền vững cho ngân sách Nhà nước cũng như nhất quán với các quy định của luật có liên quan đến đồ uống có cồn.

Bài 2: Bác sĩ chỉ hệ lụy khi lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe