Hơn 215.000 người Đài Loan dưới 30 tuổi dùng thuốc điều trị trầm cảm
Trong khi hầu hết sinh viên dành thời gian cho việc học và tiệc tùng thì anh Wu Yi-fan đang trải qua thời khắc đen tối nhất trong cuộc đời. Chàng trai 21 tuổi luôn cảm thấy lạc lõng và bất lực. Những thứ mà anh từng đam mê giờ đã mất đi sức hấp dẫn, không còn gì đáng để theo đuổi nữa.
“Tôi không muốn làm gì cả, luôn cảm thấy rất đau đớn về mặt cảm xúc, thấy mình đang ở trong tình trạng thực sự khủng khiếp. Tôi đã mất hết hy vọng, cảm thấy mình sẽ không bao giờ thành công dù có làm gì đi chăng nữa", chàng trai trẻ nói với CNA.
Wu không thể gọi tên cho cảm giác này cho đến khi đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. “Tôi… đã thấm nhuần những kỳ vọng (của cha mẹ và xã hội), rằng bản thân cần thành công để mọi người ngưỡng mộ, phải kiếm nhiều tiền và có quyền lực, để có thể sống một cuộc sống tốt đẹp".
Các chuyên gia cho rằng mức lương thấp và giá bất động sản cao là một trong những yếu tố góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần của giới trẻ Đài Loan. Nhiều người không nghĩ họ có đủ khả năng để mua nhà chứ đừng nói đến việc lập gia đình. Điều này khiến họ nghĩ rằng mình không có tương lai.
Năm ngoái, hơn 215.000 người Đài Loan dưới 30 tuổi đã dùng thuốc điều trị các triệu chứng trầm cảm – gấp đôi con số được ghi nhận một thập kỷ trước. Tuy nhiên, số người sống chung với tình trạng này có thể cao hơn nhiều. Theo một số nghiên cứu, chưa đến 30% người bị trầm cảm tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Tờ Guardian đưa tin từ năm 2014-2022, tỷ lệ tự tử ở người Đài Loan trong độ tuổi từ 15-24 đã tăng hơn gấp đôi, ngay cả khi tỷ lệ chung giảm.
Mạng xã hội cũng góp phần
Tổ chức Teacher Chang Foundation, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần, cho biết khoảng 1/4 số người liên hệ với các cố vấn của họ là dưới 30 tuổi. Chủ tịch chi nhánh Đài Bắc, bà Liu Su Fang, cho biết các khách hàng trẻ của bà thường hoài nghi về việc liệu công việc của họ có mang lại triển vọng tốt hay liệu họ có được thu nhập và sinh kế ổn định hay không. “Một số người thậm chí còn lo lắng liệu họ có đủ tiền mua nhà hay có gia đình hay không", bà Liu nói.
John Tung Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận khác cho biết việc sử dụng mạng xã hội kéo dài đã góp phần khiến giới trẻ thiếu tự tin và khiến họ dễ mắc các triệu chứng trầm cảm hơn. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người dành hơn 6 giờ mỗi ngày trên Internet sẽ có mức độ trầm cảm cao hơn những người trẻ tuổi khác”, Giám đốc trung tâm sức khỏe tâm thần của tổ chức Yeh Ya Hsing cho biết. “Một lý do là vì khi sử dụng mạng xã hội, bạn có xu hướng đưa ra những so sánh như: Tại sao mọi người lại vui vẻ như vậy? Tại sao mọi người đều tốt hơn tôi? Tại sao họ lại đẹp hơn?”
Ông Ivan Yeo, phó giám đốc và trưởng nhóm kinh nghiệm sống tại Asian Family Services ở New Zealand, đã chỉ ra một yếu tố khác: đại dịch Covid-19. Trong thời gian đó, kiến thức và hiểu biết về sức khỏe tâm thần là gì cũng tăng lên.
Đối với Wu, anh đã đi được một chặng đường dài kể từ khi được chẩn đoán bệnh cách đây 7 năm. Năm nay 28 tuổi, anh làm nhà sản xuất tại một công ty internet địa phương. Wu cho biết anh đã rút ra được một bài học quan trọng trong quá trình hồi phục của mình.
“Khi cảm thấy chán nản, tôi thường nghĩ mình sẽ sống như thế này đến hết đời. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ khỏi bệnh và mất hy vọng. Nhưng điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc chán nản chỉ là tạm thời và nó sẽ qua đi. Đừng vội phán xét bản thân và đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng”, anh nói.
Xem thêm: 30 người chết vì sốc nhiệt trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan ra cảnh báo "cực kỳ nguy hiểm"
Bảo Linh (Theo CNA)