“Crash out”: Khi Gen Z không còn chịu đựng nổi nữa
Trên TikTok, không khó để bắt gặp những video chia sẻ cảm giác “crash out”, khi áp lực cuộc sống khiến bạn trẻ rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Một người dùng TikTok từng giải thích: “Nếu bình thường ai đó dẫm lên giày bạn, bạn sẽ nhún nhường. Nhưng khi ‘crash out’, bạn sẽ quay lại và nổi điên lên chỉ vì một chuyện nhỏ.”
Theo một khảo sát của Harmony Healthcare IT năm 2024, gần 50% người thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ 1997 đến 2012) đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Trong số đó, 1 trong 3 người đang dùng thuốc kê đơn điều trị. Điều này phần nào lý giải vì sao “crash out” lại trở thành từ khóa được đồng cảm đến vậy.

Chuyên gia trị liệu Niro Feliciano cho biết, trạng thái “crash out” thường xảy ra khi mức độ căng thẳng cao nhưng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu, lại thấp.
“Khi bạn quá áp lực, bạn trở nên phản ứng thái quá hoặc hoàn toàn mất động lực. Sự bùng nổ ấy mang lại chút cảm giác ‘xả’ nhưng cái giá phải trả là rất lớn.”
Theo Feliciano, một cơn “crash out” có thể khiến người trong cuộc cảm thấy “được giải tỏa, được đúng”, nhưng hậu quả lại là sự đổ vỡ trong các mối quan hệ, cảm giác tội lỗi và mệt mỏi kéo dài sau đó.
Tiến sĩ Rebecca Hug, giảng viên tâm lý tại Đại học Phoenix, cũng cảnh báo rằng việc coi “crash out” như một hình thức giải tỏa hợp lý sẽ cản trở sự phát triển các kỹ năng quan trọng như điều tiết cảm xúc, kiên cường, và nhìn nhận vấn đề đa chiều.
Cô nhấn mạnh rằng việc để cảm xúc dâng trào rồi “nổ tung” không thể gọi là giải pháp. Nó giống như đắp tạm một miếng băng lên vết thương sâu, nhẹ nhõm trong chốc lát nhưng không giúp lành.
Dấu hiệu bạn sắp “crash out”, và cách ngăn nó từ trong gốc rễ
Nếu bạn thấy mình có những biểu hiện sau, rất có thể bạn đang tiến gần đến một lần “crash out”:
-
Hay cáu gắt, mất kiên nhẫn với người khác
-
Luôn cảm thấy bức bối, dễ phản ứng mạnh
-
Mất động lực, không muốn làm gì
-
Có xu hướng tránh tiếp xúc, muốn “biến mất”
Điều đầu tiên bạn nên làm? Hít thở một hơi thật sâu.

Nghe đơn giản, nhưng theo nhà tâm lý Jill Stoddard, “chính khoảnh khắc bạn chủ động hít một hơi, bạn mở ra một không gian để lựa chọn phản ứng.” Việc làm chủ hơi thở có thể là bước đầu giúp bạn dừng lại trước khi bùng nổ.
Ngoài ra, việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý, tham gia các hoạt động phục hồi tinh thần, hoặc đơn giản là viết nhật ký cảm xúc đều là những phương pháp lành mạnh giúp bạn hiểu và ôm ấp cảm xúc một cách tử tế hơn.
Giữa một thế giới đầy áp lực, Gen Z chọn cách thể hiện sự mệt mỏi theo những hình thức rất trực tiếp. Nhưng các chuyên gia cho rằng: việc bùng nổ cảm xúc không nên được lãng mạn hóa hay coi là cá tính mạnh.
Thay vào đó, hãy học cách nhận diện những cơn bão bên trong, để hiểu rằng ta không cần phải “nổ tung” mới được lắng nghe. Việc quan trọng không phải là chịu đựng bao lâu, mà là biết dừng lại trước khi quá muộn.