Liên quan đến vấn đề này Luật sư Nguyễn Công Tín, Luật sư thành viên Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin được trả lời bạn như sau:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, một trong các hành vi bị nghiêm cấm 'Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ'.
Như vậy, đối với hành vi rải đinh (vật nhọn) ra đường bộ bị pháp luật nghiêm cấm và người thực hiện hành vi rải đinh ra đường, sẽ tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài hành chính:
Căn cứ theo điểm a, khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì cá nhân thực hiện hành vi “Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông”, chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Theo đó, các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm nếu là người điều khiển phương tiện sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Xử lý hình sự
Theo điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào có hành vi đặt, để, đồ trái phép vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:
(1) Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
- Làm chết 02 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ 500 triệu đồng.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 01 tỷ 500 triệu đồng trở lên.
(4) Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
Do đó đối với trường hợp mà độc giả Đặng Trung hỏi, sẽ tùy vào mức độ mà hành vi này gây ra để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.