Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lương cơ bản là gì? Cách tính lương cơ bản mà người dân cần biết 

Lương cơ bản là gì và cách tính lương cơ bản như thế nào là câu hỏi thắc mắc của không ít người.

Lương cơ bản là gì?

Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định thế nào là lương cơ bản nhưng có thể hiểu rằng lương cơ bản là mức lương thấp nhất, là mức lương tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan tổ chức, doanh nghiệp hoặc đơn vị nào đó. 

Mức lương cơ bản không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp cũng như các khoản thu nhập bổ sung khác. Lương cơ bản là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động dựa trên sự thỏa thuận, đồng ý giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

luong-co-ban-la-gi2-1710756291.jpg

Mức lương cơ bản của người lao động là mức lương tối thiểu mà người lao động nhận được.

Lương cơ bản là mức lương dùng làm căn cứ tính đóng các khoản bảo hiểm gồm BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. 

Vì không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi cũng như các khoản thu nhập bổ sung khác nên trong nhiều trường hợp, lương cơ bản không phải là lương thực nhận của người lao động. 

  Xem thêm: Chế độ thai sản là gì? Cách tính tiền thai sản khi sinh con mới nhất năm 2024

Cách tính lương cơ bản

Lương cơ bản là mức lương tối thiểu người lao động nhận được nên mức lương cơ bản của khối doanh nghiệp và khối Nhà nước cũng có sự khác biệt. 

Lương cơ bản hiện nay được chia làm 2 nhóm đối tượng, gồm: 

1. Nhóm đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho các doanh nghiệp, cá nhân

Lương cơ bản của người lao động làm việc trong doanh nghiệp sẽ được xác định theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được mức thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. 

Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của họ và gia đình tại khu vực mà họ sinh sống, làm việc. 

Lương cơ bản là lương trong hợp đồng lao động và do các bên thỏa thuận với nhau do đó, lương cơ bản sẽ có mức thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP gồm: 

* Vùng I: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.

* Vùng II: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 20.000 đồng/giờ.

* Vùng III: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 17.500 đồng/giờ.

* Vùng IV: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.250.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 15.600 đồng/giờ.

2. Nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước

luong-co-ban-la-gi-1710756291.jpg

Lương cơ bản của khối doanh nghiệp và khối Nhà nước cũng có sự khác biệt. 

Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo công thức sau: 

Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương 

Vào năm 2023, mức lương cơ sở có sự điều chỉnh tại thời điểm 01/07/2023 nên mức lương cơ bản cũng sẽ được điều chỉnh tăng:

- Trước 1/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,49 triệu đồng/tháng x Hệ số lương (Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP).

- Từ 1/7/2023: Mức lương cơ bản = 1,8 triệu đồng/tháng x Hệ số lương (Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP).

Mức lương dùng để đóng BHXH có phải là lương cơ sở hay không?

Điều 89 Luật BHXH năm 2014 quy định: 

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

1. NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

NLĐ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

2. Đối với NLĐ đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.

Như vậy, theo quy định trên thì tiền lương đóng BHXH đối với cán bộ, công chức sẽ là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Mức tiền lương đóng BHXH của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho cá nhân, doanh nghiệp sẽ là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. 

Do đó, lương cơ bản sẽ không bao gồm các khoản phụ cấp, hỗ trợ chứ không phải là lương dùng để đóng BHXH.

  Xem thêm các chính sách pháp luật mới nhất TẠI ĐÂY